Xây dựng thế trận toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

17:34, 03/10/2018

Trong công tác bảo vệ an ninh Quốc gia (ANQG), đảm bảo trật tự an toàn xã hội (TTATXH), đề cao và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân là chủ trương nhất quán đã được luật hóa, đồng thời là nghệ thuật vận động quần chúng của lực lượng Công an Nhân dân (CAND).

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) là công tác xã hội, diễn ra trên diện rộng ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình... Trong đó, phong trào toàn dân tham gia PCCC có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, quyết định mục tiêu xã hội hóa về công tác PCCC, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và các phong trào thi đua khác, đồng thời là nền tảng cơ bản trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH. Vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ ANTQ và PCCC, CNCH là một biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC, góp phần xây dựng thế trận toàn dân tham gia PCCC.

Xác định công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lâu dài, có ý nghĩa quyết định, Cảnh sát PCCC tỉnh (nay là thuộc Công an tỉnh Thái Nguyên) đã tích cực chủ động thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp, đầu tư nguồn lực, huy động lực lượng, tập trung làm tốt công tác này  

Đơn vị đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 27/10/2017, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án “Xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2022”. Ngày 28/02/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH/UBND triển khai thực hiện Đề án. Qua hơn một năm triển khai thực hiện Đề án đã thành lập, củng cố, kiện toàn được 3.032 đội dân phòng (đạt 100%) với 31.315 đôi viên; trang bị phương tiện PCCC&CNCH cho 738 đội dân phòng ở các xóm, tổ dân phố, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho 549 đội dân phòng với 11.464 đội viên

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an huyện, thành phố, thị xã tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, như: Tổ chức các hội nghị phát động tập trung; xây dựng, duy trì hoạt động có hiệu quả 2 cụm doanh nghiệp an toàn về PCCC (1 cụm tại Khu công nghiệp Sông Công và Khu công nghiệp Gang hép; 1 cụm  tại thị xã Phổ Yên); xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC; xây dựng thành công nhiều mô hình điểm về phong trào toàn dân tham gia PCCC (như mô hình “Tổ dân phố an toàn về PCCC - Phong trào nhà tôi có bình chữa cháy” tại Tổ dân phố 6 và Tổ dân phố số 12 phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên; mô hình “ Tổ tự quản về an ninh trật tự, PCCC” tại tổ dân phố số 12, phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên...). Đến nay, các mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, ý thức người dân được nâng lên, số vụ cháy, tai nạn, sự cố giảm, phong trào quần chúng nhân dân được nhân rộng...

Chủ động hướng dẫn, huy động các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC (04/10/2018) phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị: tổ chức Hội thao nghiệp vụ chữa cháy, CNCH tại thị xã Phổ Yên và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG với 28 đội PCCC cơ sở, dân phòng, 336 đội viên tham gia

 Đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền pháp luật, nghiệp vụ về PCCC và CNCH, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác diễn tập, thực tập nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nhân dân trong xử lý các tình huống cháy, nổ: Triển khai Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC tại cụm an toàn PCCC&CNCH Khu công nghiệp Gang thép; tổ chức thực tập, diện tập phương án chữa cháy tại khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên…

Những nỗ lực nêu trên đã mang lại kết quả đáng ghi nhận: Phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có bước chuyển biến rõ nét; ý thức, trách nhiệm về PCCC của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân được nâng cao; quần chúng nhân dân, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở đã phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả trên 50% số vụ cháy ngay từ ban đầu, góp phần giảm thiểu số vụ và thiệt hại do tai nạn sự cố cháy, nổ, kiểm soát, hạn chế cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

          Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, như: Công tác tham mưu, hướng dẫn chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, thủ cơ quan, đơn vị, giám đốc doanh nghiệp còn hạn chế; một số người đứng đầu cơ sở chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, CNCH nói chung và công tác tuyên truyền vận động, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC nói riêng; công tác tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH còn có lúc chưa phù hợp, tính hấp dẫn chưa cao, người xem, người nghe; chính sách, chế độ đối với lực lượng dân phòng tuy đã được quan tâm nhưng còn chưa được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật (chưa có quyết định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng theo quy định tại khoản 2, Điều 35, Nghị số 79/2014/NĐ-CP) nên khó khăn trong việc thu hút người dân tích cực tham gia lực lượng này.

Đề phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC, CNCH, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số công tác trọng tâm sau: Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện, thành phố, thị xã khẩn trương ổn định tổ chức theo mô hình tổ chức mới của Bộ Công an, kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình đội chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC.

Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCCC, CNCH và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC.

Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền về PCCC phù hợp với từng loại hình, đối tượng, tuyên tuyền, hưỡng dẫn đơn giản, dễ nghe, đễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nghiên cứu xây dựng các mô hình điểm, điển hình tiên tiến về PCCC phù hợp với từng địa phương, loại hình cơ sở; tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, để thu hút được đông đảo cán bộ công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân tham gia.

UBND huyện, thành phố, thị xã cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia PCCC, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án “ Xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2022”, đáp ứng yêu cầu “ bốn tại chỗ” trong công tác PCCC, CNCH ở địa phương.

Cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tiếp tục nghiên cứu học tập và thực hiện tốt 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân và 04 điều Bác dạy lực lượng Cảnh sát PCCC. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh có kế hoạch, biện pháp cụ thể đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, nâng cao chất lượng, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, xây dựng hình ảnh người cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy ngày càng đẹp hơn, đáp ứng kỳ vọng của Cấp uỷ Đảng Chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.