Trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIII, đã chia 4 tổ để thảo luận. Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, các đại biểu (ĐB) đã thẳng thắn đóng góp ý kiến vào các nội dung được trình tại Kỳ họp, trong đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, phương hướng, giải pháp cho năm 2019 được các ĐB đặc biệt quan tâm. Báo Thái Nguyên lược ghi ý kiến tại các tổ thảo luận.
Cụ thể giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Bày tỏ sự vui mừng trước kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đạt được trong năm 2018, các ĐB cơ bản nhất trí với những nội dung nêu trong báo cáo và đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt của tỉnh. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với một số chỉ tiêu cụ thể. ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên) nêu: Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2019 của tỉnh là 15.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 11.650 tỷ đồng; còn tổng chi là 14.875 tỷ đồng, trong đó chi cân đối 13.630 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, tỉnh sẽ hụt thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đưa ra là trước năm 2020, tỉnh ta sẽ tự cân đối được thu, chi. Đề nghị UBND tỉnh giải trình, làm rõ thêm nội dung này.
Còn ĐB Phạm Hoàng Sơn (Tổ Phú Lương) và một số ĐB đề nghị tỉnh làm rõ cơ sở để đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2019 là 9% và căn cứ, cơ sở tính toán, tính khả thi đề ra chỉ tiêu thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN tăng 11%.
ĐB Nguyễn Minh Tuấn (Tổ Phú Bình) kiến nghị: Việc thực hiện thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều bước đột phá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng lại không được tiếp tục triển khai vì vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 3-11-2017 của UBND tỉnh. Đề nghị tỉnh có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
ĐB Hoàng Văn Hùng (Tổ Đại Từ) thì cho rằng các giải pháp UBND tỉnh cần nêu cụ thể hơn những việc phải làm.
Ở một khía cạnh khác, ĐB Phan Thị Thu Hằng (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị giải trình, làm rõ nguyên nhân số doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2018 giảm 2,5% so với năm 2017, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể lại tăng trên 30%.
Tập trung thực hiện cải cách hành chính
Công tác cải cách hành chính của tỉnh thời gian qua tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực song theo ĐB Phan Thị Thu Hằng (Tổ T.P Thái Nguyên) và một số ĐB thì ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn, kéo dài. Ngân sách chi cho lĩnh vực này còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thu hút đầu tư, đặc biệt là việc giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư trọng điểm. Bổ sung giải pháp nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính năm 2018 đạt thấp.
ĐB Mai Thị Thúy Nga, Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ Phú Bình) đề nghị tỉnh có lộ trình cắt giảm thời gian giải quyết những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; sớm xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công để phối hợp giải quyết thủ tục hành chính một cách hiệu quả.
ĐB Chu Thị Thúy Hà (Tổ Định Hóa) nêu: Thực tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở nhiều xã, thị trấn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi chưa đảm bảo; hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa được đầu tư đúng mức… đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hơn nữa.
Quan tâm xây dựng nông thôn mới thực chất
Về nội dung này, ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên) và một số ĐB bày tỏ: Xây dựng nông thôn mới là nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vậy nhưng, ở nhiều địa phương lại chưa chú trọng đến giải pháp giúp nâng cao thu nhập. Tình trạng nhiều xã tuy được công nhận đạt chuẩn nhưng vẫn nợ tiêu chí; có xã chỉ trong 1 năm hoàn thành tới 5-6 tiêu chí khó… Điều này khiến nhiều người băn khoăn về tính thực chất. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát lại kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, tránh chủ quan, hình thức.
Cùng chung quan điểm, ĐB Cao Việt Hùng (Tổ Đại Từ), ĐB Nguyễn Thị Mai (Tổ Phú Lương) cho rằng: Việc bố trí và giải ngân nguốn vốn hỗ trợ nông thôn mới hiện nay còn chậm, các xã đã đạt chuẩn ít được quan tâm khiến việc nâng cao tiêu chí theo chuẩn mới khó thực hiện. Đề nghị tỉnh tăng mức đầu tư đối với những xã đã đạt chuẩn để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Đề cập giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững, ĐB Nguyễn Thị Hà (Tổ Đồng Hỷ) cho rằng, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng cơ chế sản xuất theo giai đoạn phù hợp với tình hình sản xuất của các địa phương.
Còn theo ĐB Dương Văn Lượng (Tổ Phú Bình) và một số ĐB khác: Tỉnh cần quan tâm xây dựng mô hình sản xuất kinh tế tiêu biểu để các địa phương tham khảo, học tập rút kinh nghiệm; quy hoạch thêm các xã khu vực phía Nam huyện Phú Bình vào vùng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao; xem xét, bổ sung chỉ tiêu đánh giá tính bền vững của các tiêu chí ở những xã đã hoàn thành chương trình nông thôn mới.
Tăng cường giải pháp để triển khai các dự án thu hút đầu tư
Bàn về nội dung này, hầu hết ĐB đánh giá, Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức tháng 7 vừa qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, du lịch - vốn đang đóng góp vào GRDP của tỉnh một tỷ lệ rất khiêm tốn. Hiện, nhiều tập đoàn có “tên tuổi” đã đăng ký đầu tư vào tỉnh thì chúng ta cần nắm lấy cơ hội. Vì thế, nhất thiết phải có những giải pháp hữu hiệu, thiết thực hơn nữa để giúp các dự án này sớm được triển khai trên thực tế, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng và cải cách hành chính…
Về việc triển khai các dự án hiện nay, còn không ít ĐB băn khoăn. ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ T.X Phổ Yên) và một số ĐB kiến nghị: Hiện nhiều doanh nghiệp có năng lực muốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng địa phương không bố trí được mặt bằng vì đã có các doanh nghiệp khác đăng ký quyền sử dụng đất nhưng lại để “treo”. Do vậy, tỉnh cần rà soát và kiên quyết thu hồi các dự án này để giao cho nhà đầu tư có năng lực thực sự; cùng với đó cần xem xét, thẩm định kỹ năng lực của các nhà đầu tư trước khi cấp phép.
Một số nội dung khác
Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đã nêu ý kiến về nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm. ĐB Lê Thị Thu An (Tổ T.P Thái Nguyên) và một số ĐB đề nghị tỉnh quan tâm, tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường dân tộc bán trú trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá thêm về bạo lực học đường hiện nay; có giải pháp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm tới đạt hiệu quả cao hơn.
ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ T.P Sông Công) phản ánh: Đề án thành lập các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được ban hành, với mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng giết mổ nhỏ lẻ. Nhưng khi người dân làm các thủ tục để xây dựng cơ sở giết mổ theo tiêu chuẩn quy định thì lại rất vướng, không biết sở, ngành, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính để giải quyết các thủ tục này cho người dân. Đề nghị tỉnh quan tâm hơn đến nội dung này.
Ngoài ra, một số ĐB đề nghị: Cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc để chậm tiến độ thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình 135 hằng năm (đến tháng 11-2018, người dân chưa nhận được hỗ trợ); nêu rõ giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm vấn đề này trong thời gian tới; đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng…