Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Giám sát quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị tại 4 sở

19:02, 20/12/2018

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” trên địa bàn tỉnh, ngày 20-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với 4 sở: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính. Cùng dự có đồng chí Đỗ Đại Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban HĐND tỉnh.

Buổi sáng, Đoàn làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng (ảnh). Sau khi nghe đại diện lãnh đạo 2 sở báo cáo tình hình thực hiện nội dung giám sát, các thành viên trong Đoàn đã đề nghị làm rõ một số nội dung như: Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc để nhiều dự án, nhất là dự án khu dân cư điều chỉnh quy hoạch, trong khi người đề xuất điều chỉnh chủ yếu lại là nhà đầu tư? Chất lượng quy hoạch hiện đã đáp ứng được yêu cầu thực tế? Việc hỗ trợ tiền thuê nhà ở đối với các hộ dân khi phải di dời bàn giao mặt bằng thực hiện dự án được thực hiện như thế nào, ai là đối tượng được áp dụng? Giải pháp nào để xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ (dự án treo)? Có thể giảm thêm các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng cho người dân, doanh nghiệp?...

Theo chức năng, nhiệm vụ, đại diện 2 sở đã giải thích, làm rõ những vấn đề các thành viên trong Đoàn quan tâm. Đồng thời cũng đưa ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị 5 năm qua, từ đó đưa ra nhiều đề xuất cụ thể đối với việc điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị...

Buổi chiều, Đoàn làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính. Theo đó, cùng với các đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan và sớm ban hành Luật PPP, 2 sở này cũng đã có nhiều kiến nghị với HĐND và UBND tỉnh. Trong đó đáng chú ý: Tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; không gia hạn thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kể cả dự án khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản; hạn chế tối đa việc chấp thuận các dự án đầu tư, thuê đất cho mục đích sản xuất ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có; tiếp tục thực hiện chủ trương dành kinh phí giải phóng mặt bằng sạch, giao đất cho nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước; giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá lại tình hình giao đất, cho thuê đất đối với các dự án được cấp phép đầu tư tại đô thị, từ khi có Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết 2018; kiểm tra lại các cam kết của chủ đầu tư đang sử dụng đất không đúng quy định, kém hiệu quả, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết…

 Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Hùng ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quản lý Nhà nước của các sở, ngành; đồng thời sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để có cơ sở làm việc với UBND tỉnh trong thời gian tới, cũng như đề xuất với Trung ương những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phục vụ sửa đổi Luật Đất đai 2013 và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.