Những người từng công tác trong ngành Đường sắt ở Thái Nguyên mà chúng tôi có dịp phỏng vấn đều chung niềm tự hào khi đã đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, cũng như tiếp viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.
Ngay sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có chủ trương khôi phục và đẩy mạnh hoạt động của các tuyến đường sắt. Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 9-1954 nêu rõ: “Khôi phục nhanh chóng đường xe lửa, đường ô tô, vận tải sông ngòi có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Đó là điều không thể thiếu trong việc phát triển sản xuất, phồn vinh kinh tế”. Thực hiện chủ trương này, đáng chú ý có việc khởi công mở tuyến đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên vào tháng 7-1959. Đây là tuyến do trong nước tự thiết kế, thi công tất cả các hạng mục nhằm phục vụ việc xây dựng khu gang thép Thái Nguyên. Chỉ hơn 1 năm sau, đường sắt mới dài 57km đã chính thức thông xe, nối liền Thủ đô Hà Nội với T.P Thái Nguyên - Khu công nghiệp hiện đại có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép.
Đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên, đoạn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (sau là Bắc Thái) thời điểm đó có 4 ga là: Quán Triều, Lưu Xá, Lương Sơn và Phổ Yên. Trong đó, Ga Lưu Xá có quy mô và vai trò quan trọng bậc nhất. Trong thời kỳ đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, đây là nơi tiếp nhận hàng hóa viện trợ của nước ngoài qua phía Trung Quốc theo đường bộ để chuyển vào tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Đồng thời là nơi trung gian tập kết nguyên vật liệu tới và đưa sản phẩm của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đi mọi miền Tổ quốc. Chính khu vực này cũng gắn liền với sự kiện bi tráng nơi 60 cán bộ, đội viên của Đại đội TNXP 915, Đội 91 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vào tối 24/12/1972 mà lịch sử vẫn còn nhắc nhớ.
Chúng tôi đã cất công tìm nhân chứng từng làm việc ở Ga Lưu Xá thời điểm năm 1972 nhưng không còn ai. Hầu hết đã qua đời, số ít còn lại thì chuyển đi nới khác sinh sống. Khu tập thể của Ga giờ chỉ còn vài gia đình. Ông Nguyễn Duy Chắt, nguyên Trưởng ga Lưu Xá, giai đoạn 1974-1992, kể: Khi tôi về đây công tác, ngành đường sắt đang ở thời kỳ thịnh vượng nhất. Ga khi ấy có tới 83 cán bộ, nhân viên và được chia thành 3 ban. Hàng hóa thì rất nhiều, gồm lương thực, quặng, gang thép, thiết bị quốc phòng… Để đảm bảo an ninh, tại đây còn có hẳn một đồn công an luôn túc trực do ông Thọ là Trưởng đồn.
Cùng với tuyến Đông Anh - Thái Nguyên, hệ thống đường sắt nội bộ của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng rất phát triển. Ông Phạm Văn Đồng (nhà ở tổ 23, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên) - nguyên Trưởng ga Trung Tâm của Nhà máy Gang thép tự hào: Tính riêng đường ray xe lửa nội bộ của chúng tôi đã dài tới 54km, gồm 5 ga và không thiếu bất kỳ bộ phận chuyên môn kỹ thuật nào so với ngành đường sắt nói chung. Thời điểm năm 1972, tôi đang làm Trưởng đồn, công việc chính là phụ trách việc bốc xếp hàng hóa lên và xuống tàu. Khi đó, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên chính là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, tôi trực tiếp chứng kiến nhiều đồng nghiệp thiệt mạng vì trúng bom khi đang làm nhiệm vụ.
Ông Vũ Văn Kỉnh từng là Quản đốc Phân xưởng sửa chữa của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Tuy đã ở tuổi gần 80 nhưng ông còn minh mẫn, giữ gìn rất cẩn thận nhiều tài liệu kỹ thuật trong quá trình công tác do chính mình ghi chép. Vậy nên, khi được hỏi chuyện ông kể rành mạch cho chúng tôi nghe số hiệu và đặc điểm từng đầu máy xe lửa, cần cẩu mà đơn vị từng có. Xưởng sửa chữa khi đó có tới hơn 200 cán bộ kỹ thuật, chia làm hai bộ phận là sửa chữa lớn và sửa chữa nhỏ. Ngoài sửa chữa và bảo dưỡng đầu máy xe lửa, xưởng còn phối hợp với các bộ phận chuyên môn khác để khắc phục hệ thống đường ray khi bị trúng bom. Một nhiệm vụ quan trọng khác là giúp cho Tổng cục Đường sắt sửa chữa, đại tu các đầu máy xe lửa vì ngành đường sắt thiếu cả về nhân công và thiết bị.
Ông Kỉnh kể thông tin có lẽ không nhiều người biết đó là có 2 ga Lưu Xá A và B. Thực ra ga B chỉ là khu phụ, chủ yếu phục vụ việc sơ tán hành khách. Đường sắt khi ấy cũng là mục tiêu đánh phá nhiều của máy bay địch. Riêng Gang thép Thái Nguyên có 2 đầu máy xe lửa trúng bom hỏng; một số công nhân bị trúng bom thiệt mạng ở khu vực Ga Lưu Xá đến nay vẫn chưa tìm được thi thể. Kể về sự kiện ngày 24/12/1972, ông Kỉnh nói: Lúc đó, bộ phận đầu máy toa xe của chúng tôi ở đúng ngay vị trí bị đánh bom. Nhưng thật may mắn là khi tiếng còi báo động vang lên thì mọi người đã kịp di chuyển vào khu vực địa đạo trú ẩn an toàn. Các lực lượng của Nhà máy Gang thép sau đó đã tham gia rất tích cực để khắc phục hậu quả bom Mỹ và sơ tán hàng hóa.
Đường sắt Thái Nguyên nói chung và Ga Lưu Xá nói riêng giờ thưa vắng khách và cả những chuyến tàu tập kết hàng hóa. Nhớ về một thời hào hùng để hiểu và trân trọng hơn những đóng góp rất lớn ngành cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung.