Những vấn đề cử tri quan tâm

09:04, 05/12/2018

Từ ngày 5 đến 8/12, kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh, diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, phóng viên Báo Thái Nguyên đã gặp gỡ, phỏng vấn một số cử tri về những vấn đề họ quan tâm.

Cần sự phối hợp để xử lý tín dụng đen

Ông Bùi Văn Khoa,  Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

Tín dụng đen là hoạt động cho vay nặng lãi, có phương pháp thu nợ trái với quy định của pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy và đang ngày càng biến tướng dưới nhiều hình thức. Là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động cho vay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng đã tìm cách hạn chế hoạt động cho vay này, nhưng đến giờ vẫn chưa đưa ra được biện pháp hữu hiệu.  Vì thế, tôi cho rằng rất cần sự chủ trì của UBND tỉnh trong việc thống nhất với các ngành để phân định rõ trách nhiệm, từ đó giao một đơn vị chịu trách nhiệm chính quản lý hoạt động này. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ các hình thức biến tướng, những hậu quả từ tín dụng đen cũng phải được đẩy mạnh. Hệ thống ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc bố trí nguồn vốn, cải cách thủ tục để người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận nguồn vốn.

 

 

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, trấn áp tội phạm

Bà Đào Thị Thúy, tổ dân phố Ấp Bắc, phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên)

Những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn T.X Phổ Yên có nhiều diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm có chiều hướng tăng. Nguyên nhân là do sự lớn mạnh của các khu, cụm công nghiệp, kéo theo lượng lao động đến làm việc sinh sống trên địa bàn tăng đột biến. Cùng với đó, các nhà trọ xây dựng cho công nhân thuê chưa đảm bảo các yếu tố về ANTT đã tạo điều kiện để đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Người dân mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tăng cường lực lượng, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, đặc biệt là ở những địa phương có nhiều công ty, doanh nghiệp đứng chân. Đồng thời, tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, trấn áp tội phạm nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại địa phương, qua đó giúp người dân yên tâm sinh sống, làm việc.

 

Hỗ trợ, tạo động lực cho người dân

Ông Đào Xuân Hòa, Trưởng xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình)

Thực hiện Dự án dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, huyện Phú Bình chọn 3 xã: Úc Kỳ, Xuân Phương và Tân Đức làm điểm, xóm Ngoài là 1 trong 6 xóm của xã Tân Đức triển khai Dự án này. Sau khi dồn đổi, hệ thống mương tưới được quy hoạch khoa học đảm bảo thuận tiện cho việc sản xuất. Khi canh tác trên các ô, thửa lớn trong vụ xuân và vụ mùa vừa qua, người dân cùng chọn một giống lúa, cùng gieo trồng và thu hoạch đồng loạt đã tiết kiệm công sức, tiền của. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn chậm; hệ thống mương tưới tiêu, đường nội đồng chưa được kiên cố… Người dân rất mong các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí trong việc xây dựng hạ tầng; định hướng cụ thể trong việc sản xuất hàng hóa và đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản… để người dân yên tâm sản xuất.

 

Tuyên truyền để thay đổi nếp nghĩ

Ông Bùi Thanh Sen, Trưởng xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn (T.P Sông Công)

Cuối năm 2017, xóm Vinh Quang 2 được T.P Sông Công và UBND xã Vinh Sơn chọn làm xóm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Đến nay, xóm đã có 90/120 gia đình đạt các tiêu chí gia đình NTM.  Tuy nhiên có 20 hộ còn "non" về tiêu chí "3 sạch". Để giúp các hộ dân nâng cao tiêu chí này, các tổ chức đoàn thể đã đến từng gia đình hướng dẫn cách sắp xếp đồ dùng đảm bảo theo tiêu chí nhưng cũng khó có thể thay đổi ngay nếp nghĩ, cách làm của các hộ dân. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn khó khăn về kinh tế trong việc chỉnh trang khuôn viên nhà ở, công trình phụ trợ, chuồng chăn nuôi, đóng góp tiền xây dựng cổng làng, mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa….  Chúng tôi mong  tỉnh và Thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân dân xây dựng xóm NTM kiểu mẫu, hộ gia đình NTM; các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong xây dựng gia đình NTM…

 

Giảm tải học sinh tại các trường tiểu học

Ông Lê Trung Kiên, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương (T .P Thái Nguyên)

Tôi có con đang học bán trú tại lớp 2D, Trường Tiểu học Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Lớp học của con tôi có 46 cháu. Theo tôi, số lượng học sinh như vậy là quá đông, ảnh hưởng đến học tập cũng như việc ăn, ở bán trú của các con. Vì lớp học đông nên bàn ghế xếp rất chật khiến cho các con đi lại khó khăn. Nhiều khi con tôi vào chỗ ngồi phải chui qua gầm bàn vì ghế xếp chật không có lối vào. Tôi đề nghị các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, có giải pháp phù hợp giảm tải học sinh ở các trường tiểu học. Hoặc là mở rộng lớp học nếu số lượng học sinh đông, hoặc là điều chỉnh số lượng học sinh mỗi lớp chỉ khoảng 30-35 học sinh là hợp lý. Có như vậy, chất lượng dạy và học mới đảm bảo.