Sáng 21-12, tại T.P Thái Nguyên sẽ diễn ra sự kiện quan trọng: Cầu Bến Tượng chính thức được thông xe và đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu lớn, hiện đại nhất trên địa bàn tỉnh bắc qua dòng sông Cầu tính đến thời điểm hiện tại. Vượt qua bao khó khăn, vất vả, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của Ban Quản lý Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, T.P Thái Nguyên, các nhà thầu đã hoàn thành cây cầu trong niềm vui sướng của người dân 2 bên bờ sông.
Ngày 20-12, chúng tôi có mặt trên cầu Bến Tượng, nhiều băng-rôn, khẩu hiệu rực màu đỏ thắm được treo dọc hai bên đường dẫn lên cầu. Trên mặt cầu, đại diện Ban Quản lý Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, T.P Thái Nguyên, các nhà thầu đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để thực hiện lễ thông xe. Cùng với đó, hàng trăm người dân cũng đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cầu Bến Tượng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, tổ 5, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên chia sẻ: “Sinh sống ở gần khu vực này đã gần 50 năm nay, chúng tôi mong ước có một cây cầu bắc qua sông từ rất lâu, nay được tận mắt chứng kiến cầu hoàn thành chúng tôi phấn khởi lắm!”.
Còn bà Hoàng Thị Thuận, ở tổ dân phố 23, phường Trưng Vương nói: “Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi, từng chứng kiến bao nỗi vất vả của người dân 2 bên sông khi không có cầu. Khổ nhất là nông dân bên phía Làng Đông, xã Đồng Bẩm (nay là phường Đồng Bẩm) sáng sớm chuyển rau, củ, quả sang chợ Thái bán, phải đi vòng qua cầu Gia Bẩy, giao thông lại liên tục ách tắc, bởi thế việc có cây cầu mới thật sự ý nghĩa và thiết thực”.
Cầu Bến Tượng thuộc giai đoạn II của Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, T.P Thái Nguyên. Công trình có tổng mức đầu tư 436,268 tỷ đồng; có điểm đầu giao với đường Đội Cấn (tại chợ Thái thuộc phường Trưng Vương), điểm cuối giao với Quốc lộ 1B cũ (thuộc phường Đồng Bẩm) với tổng chiều dài 760m. Trong đó, chiều dài của cầu chính là 380m, chiều rộng 23,6m, gồm 3 nhịp chính.
Cầu có cấu tạo dạng cầu vòm ống thép nhồi bê tông với bề mặt rộng 23,6m đáp ứng nhu cầu qua lại cho 4 làn xe cơ giới. Phần đường dẫn đầu cầu phía phường Trưng Vương dài 180m, lộ giới rộng 25,5m. Phần đường dẫn đầu cầu phía phường Đồng Bẩm có chiều dài 200m, lộ giới rộng 40,5m.
Toàn bộ phần cầu, đường hai đầu cầu đều được chiếu sáng bằng các bộ đèn LED theo qui định hiện hành đảm bảo an toàn giao thông khu vực vào ban đêm. Ngoài ra, các đèn pha Led đa sắc chiếu sáng mỹ thuật hắt lên vòm cong phía ngoài cầu trên cả 3 nhịp chính. Các đèn Led trên cáp treo và dọc cầu được điều khiển bằng bộ lập trình có thể chạy theo chương trình được cài đặt sẵn.
Cầu được thiết kế bởi Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Kunhwa (Hàn Quốc); Liên danh Licogi 18.6 - Thăng Long Meco thi công hạng mục cầu chính; Liên danh Hữu Huệ - Quốc Khánh thi công hạng mục tường chắn, đường dẫn đầu cầu; Công ty cổ phần Kỹ thuật chiếu sáng Việt Nam thi công hạng mục điện trang trí; Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn, hầm giám sát công trình.
Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, T.P Thái Nguyên bộc bạch: Khi bắt đầu triển khai thực hiện công trình chúng tôi lo lắng lắm! Bởi lần đầu tiên Thành phố làm chủ đầu tư một công trình hiện đại, có kết cấu phức tạp như vậy. Thêm vào đó, có bao khó khăn, vướng mắc ở ngoài hiện trường, trong đó khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có động lực để phấn đấu, đó là sự hỗ trợ từ các bộ, ban ngành Trung ương và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thành ủy Thái Nguyên, đặc biệt là phía Ngân hàng Thế giới (đơn vị cấp vốn). Đến nay, có thể khẳng định các hạng mục công trình cầu Bến Tượng đã hoàn thành như yêu cầu đặt ra. Công trình được đưa vào khai thác sử dụng sớm hơn so với tiến độ đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công 6 tháng.
Cầu Bến Tượng “nối hai bờ vui”, là thành quả lao động vất vả của bao người. Nó mang xứ mệnh góp phần hoàn thiện quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông T.P Thái Nguyên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung; đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trong khu vực nội thị, đặc biệt là ùn tắc giao thông tại hai đầu cầu Gia Bẩy; kết nối giao thông giữa T.P Thái Nguyên với các huyện phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên; góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nâng cao hiệu quả khai thác của mạng lưới giao thông hiện tại và tương lai; là điểm nhấn quan trọng cho mỹ quan đô thị Thành phố, giờ đã hiện hữu, thỏa lòng mong ước của bao người dân.