Ngày 5-3, Trạm Chăn nuôi thú y huyện Phú Lương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y tổ chức tập huấn công tác chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho hơn 65 hộ chăn nuôi lợn có quy mô trên 50 con ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Tại đây, người dân đã được cung cấp những thông tin để nhận biết các dấu hiệu của bệnh Dịch tả lợn châu Phi; các văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; hướng dẫn vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; kỹ thuật tiêu huỷ bắt buộc lợn bệnh và sản phẩm của lợn bệnh…
Được biết, đến thời điểm hiện tại, để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi đã chủ động vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột…; Trạm Chăn nuôi thú y huyện cũng đã tiến hành cấp gần 300 lít thuốc khử trùng tiêu độc cho các xã, thị trấn.
*Sáng 5-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Võ Nhai tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống bệnh dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc; triển khai giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo báo cáo, ổ dịch lở mồm long móng xảy ra đầu tiên trên địa bàn huyện ở tại xóm Đồng Chăn (Lâu Thượng) vào ngày 5-1-2019. Chính quyền xã đã kịp thời phối hợp với cơ quan chuyên môn tiêu hủy 8 con lợn với tổng trọng lượng 805kg. Tính đến thời điểm 4-3-2019, huyện Võ Nhai có 5 xã, thị trấn có dịch lở mồm long móng, gồm: Lâu Thượng, Dân Tiến, Tràng Xá, Bình Long và Đình Cả. Hiện các ổ dịch đều cơ bản được khống chế, đã qua 21 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Đối với việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện đã xây dựng kế hoạch riêng phòng chống dịch bệnh này. Cụ thể: Trong tình huống chưa phát hiện bệnh dịch, tổ chức theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các địa phương giáp ranh với các tỉnh khác, các khu vực có nguy cơ cao, vùng chăn nuôi tập trung, đặc biệt là việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ở các tỉnh biên giới vào địa bàn huyện. Giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh tiêu trùng, khử độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn... Trong tình huống xuất hiện bệnh dịch, huyện sẽ tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch theo quy định của Luật Thú y và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT và của tỉnh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát như ở địa phương có dịch...