Sau một thời gian tuyên truyền, vận động nhân dân của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của nhà đầu tư, việc tháo gỡ khó khăn Dự án xây mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 theo hình thức BOT đã từng bước được gợi mở. Mấu chốt trong giải quyết vấn đề này là mở rộng đối tượng, phạm vi được miễn, giảm phí; tăng cường giám sát việc thu, sử dụng nguồn phí; tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo công trình nằm trong giới hạn thu phí để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư…
Thời gian trước, một số người dân phản đối kịch liệt việc đặt trạm và tiến hành thu phí đường bộ tại km77+922,5 trên Quốc lộ 3 vì cho rằng nhà đầu tư không nâng cấp các công trình (Quốc lộ 3 đoạn từ T.P Thái Nguyên đến ngã 3 Bờ Đậu và đoạn Quốc lộ 37 qua huyện Đại Từ đến đèo Khế). Tuy nhiên, sau khi các cấp, ngành, nhà đầu tư vào cuộc tuyên truyền về tính pháp lý của dự án; đề nghị người dân chia sẻ những khó khăn về nguồn vốn ngân sách dành đầu tư mới, nâng cấp công trình giao thông… đã từng bước nhận được sự đồng thuận của dư luận.
Hướng giải quyết đối với Dự án này là phương án thu phí cả 2 tuyến như hợp đồng BOT cơ quan chức năng có thẩm quyền đã ký với nhà đầu tư. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền các địa phương, gồm: T.P Thái Nguyên và 3 huyện: Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương đề nghị mở rộng đối tượng, phạm vi miễn, giảm phí cho chủ phương tiện khi qua trạm đặt tại km77+922,5 trên tuyến Quốc lộ 3. Đồng thời, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn từ T.P Thái Nguyên đến ngã 3 Bờ Đậu và Quốc lộ 37 đoạn qua huyện Đại Từ đến đèo Khế...
Dự án xây mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới dài gần 40km và nâng cấp, mở rộng 25km Quốc lộ 3 (đoạn km75 đến km100) theo hình thức BOT do liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc thực hiện với tổng mức đầu tư ban đầu 2.744 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bằng Văn bản số 5136/VPCP-KTN ngày 07/8/2014. Từ đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư Dự án này. UBND tỉnh Bắc Kạn và UBND tỉnh Thái Nguyên đều có văn bản thống nhất triển khai thực hiện Dự án.
Sau hơn 2 năm thi công, dự án BOT này đã hoàn thành và nhà đầu tư tiến hành thu phí đường Thái Nguyên - Chợ Mới, nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhưng kỳ vọng về hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư đã không đạt khi chỉ thu được 6,7 tỷ đồng/3 tháng đầu tiên tại trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và đến quý 1-2019, phí thu được trên tuyến đường mới này ổn định ở mức trên 2 tỷ đồng/tháng. Riêng trạm thu phí trên Quốc lộ 3 khi liên doanh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc chuẩn bị thu phí đã gặp phải sự phản đối của người dân. Về vấn đề này, từ cuối năm 2017 đến nay cơ quan chức năng liên quan đã đưa ra nhiều hướng giải quyết nhưng đều chưa khả thi.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân quanh khu vực đặt trạm thu phí và những khó khăn của nhà đầu tư để nghiên cứu, xây dựng phương án cơ bản đáp ứng được các mục tiêu. Phương án được các cấp, ngành trong tỉnh và nhà đầu tư xây dựng là mở rộng phạm vi, đối tượng miễn, giảm phí khi qua trạm thu phí tại km77+922,5 của Quốc lộ 3. Theo đó, khu vực miễn, giảm phí được chia thành vùng 1 đến vùng 3 với tổng số 79 xã, phường, thị trấn của T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ, huyện Phú Lương và các xã, thị trấn của huyện Định Hóa. Phương án này sẽ được cấp có thẩm quyền hoàn thiện và trình Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Khi được hỏi về vấn đề này, cán bộ, đảng viên và người dân một số địa phương trong tỉnh đều cho biết cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng BOT để huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông là chủ trương đúng. Tuy nhiên Bộ Giao thông - Vận tải cũng cần xem xét sớm đầu tư, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn từ T.P Thái Nguyên đến Bờ Đậu; nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua huyện Đại Từ đến đèo Khế (phương tiện lưu thông trên 2 đoạn đường này đều phải đi qua trạm thu phí). Ông Đồng Quang Nghị, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho biết: Tham gia giao thông trên Quốc lộ 37 đoạn Bờ Đậu đến đèo Khế vào giờ cao điểm rất áp lực vì thường xuyên bị ùn tắc hoặc phải chạy với vận tốc 30-40km vì mặt đường hẹp, nhiều xe ô tô tải lớn.
Ngoài ra, những cán bộ, đảng viên, người dân được hỏi về vấn đề này còn đề nghị cơ quan chức năng cũng cần giám sát tự động và cho phép người dân được tham gia giám sát để việc thu, sử dụng phí của liên doanh nhà đầu tư đúng pháp luật, đúng số lượng phương tiện. Đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Luồng ý kiến khác cho rằng khi tiến hành thu phí qua trạm đặt tại km77+922,5 của Quốc lộ 3 mà cơ quan chức năng có thẩm quyền không có giải pháp phù hợp, các tuyến đường dân sinh gần trạm thu phí vô hình chung trở thành “đường tránh” đối với nhiều chủ phương tiện để không mất khoản tiền phí. Điều này sẽ gây ách tắc giao thông, nguy cơ xảy tai nạn và xuống cấp công trình…
Từ thực tế vướng mắc ở số trạm thu phí dự án BOT giao thông thời gian qua đòi hỏi Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan chức năng cần sớm xem xét phê duyệt phương án thu phí trên cơ sở công khai, minh bạch đảm bảo cả quyền lợi, niềm tin của người dân và tính hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư. Đặc biệt là phát huy nguồn lực huy động từ các thành phần kinh tế để giảm áp lực ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạn tầng nói chung, giao thông nói riêng.
Phương án đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải như sau: “Phương tiện được giảm 100% mức phí, gồm: xe nhóm 1, xe nhóm 2 của vùng 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải trọng từ 2 đến 4 tấn). Xe nhóm 3, 4, 5 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải trọng từ 4 tấn đến 10 tấn; xe tải trọng từ 10 tấn đến 18 tấn; xe chở hàng bằng container; xe tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) tại vùng 1 được giảm 70% mức phí nhưng phải mua vé theo tháng, quý (không giảm theo lượt). |