Tiếp tục Phiên họp giải trình, trong ngày làm việc thứ 2 (25-4), dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện yêu cầu giải trình đối với lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên UBND tỉnh và thủ trưởng các cơ quan liên quan về 2 nhóm vấn đề còn lại, gồm: Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng và việc thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dự phiên giải trình có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Thứ nhất: Đối với Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, báo cáo của Đoàn khảo sát HĐND tỉnh tại Phiên họp nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH, có trường hợp quy hoạch rừng phòng hộ vào điểm mỏ đã khai thác từ hàng chục năm qua; việc giải quyết một số bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng chưa được tham mưu, chủ động đề xuất giải quyết triệt để; một số chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa đạt; một số chính sách phát triển lâm nghiệp chưa được triển khai….
Theo đó, các nội dung được đại biểu HĐND tỉnh đề nghị làm rõ đó là: Vì sao vẫn còn hơn 7% diện tích đất rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Nguyên nhân, lý do chưa triển khai chính sách tín dụng đối với người trồng rừng theo Nghị quyết số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ; chậm triển khai việc ngân sách tỉnh hồ trợ mỗi thôn bản vùng đệm các khu rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quy định hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75; giải pháp để đảm bảo đời sống cho các hộ dân khi có đất rừng sản xuất chuyển sang đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng?...
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: Trong số diện tích chưa được cấp GCNQSDĐ, có khoảng 2.000ha là của cá nhân hộ gia đình đã sử dụng nhiều năm, song diện tích đất rừng lại nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, trong khi đó, theo quy định, đã là rừng phòng hộ thì không thể giao cho cá nhân, mà phải có Ban quản lý rừng. Còn 10.000ha còn lại nằm trong tổng diện tích đất mà Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi từ đất của các nông lâm trường và đến thời điểm này, số diện tích này đã được bàn giao cho các các huyện, thành, thị quản lý. Trong đó, 2 huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ đã xây dựng được phương án, đang tiến hành cấp GCNQSDĐ. Ở các địa phương khác, Sở đang tiến hành hướng dẫn, đôn đốc để tháo gỡ những vướng mắc để cấp GCNQSDĐ trong thời gian tới.
Về giải pháp để đảm bảo đời sống cho các hộ dân khi có đất rừng sản xuất chuyển sang đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Đây là việc tương đối khó. Vì hiện nay, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhưng mức hỗ trợ rất thấp. Do vậy, để đảm bảo đời sống cho người dân trước hết cần thực hiện tốt, vận dụng tối đa các chính sách hiện có liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có các giải pháp cụ thể tạo việc làm cho người dân để có cơ hội chuyển sang lao động phi nông nghiệp.
Đối với việc hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm các khu rừng đặc dụng, các chính sách hỗ trợ đã có từ năm 2012, cụ thể là theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, tháng 8-2018, Bộ Tài chính mới có thông tư hướng dẫn. Do vậy, từ năm 2019, tỉnh mới có thể triển khai thực hiện. Năm nay, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ đối với 28 xã của huyện Định Hóa và Võ Nhai. Các nội dung hỗ trợ bao gồm hỗ trợ về giống, vật tư xây dựng tu bổ một số công trình cấp nước.
Thứ 2: Về việc thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, những hạn chế được chỉ ra đó là: Một số mục tiêu trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa đạt, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; công tác phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các địa phương chưa nhịp nhàng, do chưa ban hành quy chế phối hợp; hằng năm, kinh phí bố trí cho các Đề an, Chương trình có hạn, chỉ bố trí trong phương án sản xuất nông nghiệp; việc thực hiện mức hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh còn chậm…
Từ những hạn chế này, nội dung được đại biểu quan tâm đó là: Nguyên nhân, lý do và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Những kết quả đạt được đối với Đề án “Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc gia cầm giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh và tiến độ thực hiện Đề án theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HDND của HĐND tỉnh; kết quả thực hiện Quyết định số 2037 của tỉnh và Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; tồn tại, vướng mắc trong thu hút dựa án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thừa nhận: Việc thực hiện xây dựng hệ thống các cơ sở giết mổ tập trung và nhỏ lẻ hiện chưa nhiều. Nguyên nhân là do việc xây dựng hướng dẫn liên ngành còn chậm. Đến trung tuần tháng 4 vừa rồi, một số sở, ngành mới gửi hướng dẫn của ngành mình về Sở Nông nghiệp và PTNT. Vì thế, dự kiến đến đầu tháng 5 tới, Sở mới tham mưu được cho UBND tỉnh ban hành hướng dẫn liên ngành, từ đó, các vướng mắc mới được tháo gỡ. Ngoài ra, một số cơ chế mang tính chất quản lý Nhà nước nhằm giúp cho các cơ sở giết mổ động vật hoạt động thuận lợi vẫn chưa thực hiện được… Để hoàn thành các mục tiêu của đề án, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện
Còn theo ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Từ 2016 đến nay, tỉnh mới có 22 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp. Sở dĩ các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư trong lĩnh vực này là do: Định mức để được hưởng cơ chế hỗ trợ so với thực tế của tỉnh vẫn còn cao; diện tích sử dụng quỹ đất lớn khiên công tác giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian. Trong khi đó, mức độ rủi ro lại cao vì chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết; thủ tục để được hưởng hồ trợ lại rất chặt chẽ. Trước thực trạng này, về giải pháp, Sở đang xây dựng quy định đặc thù để trình UBND và HĐND để xin cơ chế hỗ trợ về lãi vay, cơ chế hỗ trợ về định mức của một số dự án; cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền đến các nhà đầu tư để các nhà đầu tư hiểu hơn. Cùng với đó, cũng đề nghị các địa phương quan tâm dành quỹ đất để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Đối với việc thực hiện Quyết định 2037 và 2085, ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Do thời gian thực hiện Đề án 2037 chưa lâu nên hiện trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình hỗ trợ sản xuất nào đạt được hiệu quả cao. Còn việc thực hiện Quyết định 2085, nếu tính tổng nhu cầu hỗ trợ của người dân sẽ vào khoảng 563 tỷ đồng (chưa kể nguồn kinh phí để hỗ trợ đất ở giao cho các địa phương). Toàn bộ nguồn kinh phí này đều do trung ương cấp. Nhưng đến nay, nguồn của Chính phủ mới giao được 19 tỷ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay. Hiện, trong tổng số hơn 600 tỷ, chúng ta mới có hơn 19 tỷ đồng. Đây là chính sách của Trung ương, hầu hết các nhu cầu của người dân theo Quyết định này đến nay chưa triển khai được.
Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu HĐND và nội dung giải trình của lãnh đạo các sở, ngành liên quan, đồng chí Vũ Hồng Bắc cho rằng, cả 2 nội dung trên đều có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đối với người dân các xã. Nếu không giải quyết kịp thời, sẽ làm kìm hãm sự phát triển chung của tỉnh. Vì thế, sau Phiên họp này, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh sẽ kiểm điểm việc triển khai cũng như có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Kết luận từng nội dung tại phiên họp, đồng chí Bùi Xuân Hòa đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh, nhất là các ban HĐND tỉnh trong việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Đối với công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trước tiên, UBND tỉnh cần phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch KT-XH chung của tỉnh, vì quy hoạch này tích hợp tất cả các quy hoạch khác. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “cần gì xin đấy”. Cùng với đó, phải chú trọng hơn nữa đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc thực hiện rà soát 3 loại rừng cần được triển khai thận trọng, khách quan, toàn diện, cụ thể, linh hoạt; có giải pháp huy động nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và tập trung chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất rừng còn lại…
Về việc thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh cần sớm tiến hành rà soát hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành. Cơ chế, chính sách nào chưa phù hợp, cần đề xuất điều chỉnh, để ngành nông nghiệp phát triển sánh cùng ngành công nghiệp hiện nay. Hiện, dư địa để phát triển nông nghiệp của tỉnh còn rất lớn. Vì thế, bên cạnh cách thức triển khai các mô hình từ phía các cơ quan quản lý nhà nước thì cũng cần quan tâm, chú trọng nhân rộng mô hình sáng tạo trong nhân dân đã đạt hiệu quả cao; chú trọng phát triển các hợp tác xã kiểu mới mà ở đó có sự liên kết của một nhóm hộ… Để khắc phục được những hạn chế, cũng như thực hiện tốt các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực mà Phiên Giải trình lần này đề cập, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đạt cho được mục tiêu xây dựng Thái Nguyên ngày càng phát triển.