Bảo vệ an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão

09:46, 10/05/2019

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Bước vào mùa mưa bão năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều trên địa bàn để có phương án bảo đảm an toàn cho những tuyến đê trọng điểm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 tuyến đê cấp III và cấp IV với tổng chiều dài 48,2km. Trên các tuyến đê có 19 kè hộ bờ, 5 kè mỏ hàn, 24 cống qua đê, 12 điếm canh đê, 3 hạt quản lý đê. Theo kết quả khảo sát hiện trạng đê được Sở Nông nghiệp - PTNT tiến hành mới đây, trên địa bàn tỉnh có 3 khu vực trọng điểm cấp tỉnh, gồm: Sạt lở bờ sông vị trí từ Km5+570 đến Km6+200 tuyến đê Hà Châu (Phú Bình); kè xóm Soi vị trí từ Km3+160 đến Km3+6298 tuyến đê Chã (T.X Phổ Yên) và tuyến đê chỉnh trang T.P Thái Nguyên từ Km0 đến Km2+150. Bên cạnh đó, có 6 khu vực, vị trí xung yếu cũng được Sở Nông nghiệp - PTNT chỉ ra, gồm: Cống số 6 tại Km9+890 đê Chã; cống số 8 tại Km7+190 đê tả sông Công; kè Xuân Vinh từ Km4+550 đến Km4+850 tuyến đê tả sông Công; sạt lở kè Soi Quýt từ Km6+670 đến Km7+620 tuyến đê Hà Châu; tổ mối thân đê từ Km7+500 đến Km7+800 tuyến đê Gang Thép và sạt lở bờ sông từ Km15+720 đến Km15+920 tuyến đê Hà Châu.

Để bảo vệ các tuyến đê an toàn trong mùa mưa bão năm nay, ngày 25-4, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành, thị có đê và những đơn vị liên quan xây dựng phương án hộ đê tương ứng cho từng tuyến đê, bảo vệ trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt. UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành liên quan cùng các địa phương có đê chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện có bão, lũ lớn, lũ đặc biệt lớn. Hiện nay, 14 điểm kho, bãi dự trữ vật tư phòng, chống lụt bão của tỉnh đã dự trữ trên 3.600m3 đá hộc, 660 phao cứu sinh; 125 xe rùa; trên 1.000 rọ thép cùng nhiều loại vật tư khác.

Để chủ động đối phó với bão lũ, thời gian qua, Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương có đê tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình để có phương án hộ đê cho từng tuyến, từng đoạn đê cụ thể. Anh Lục Tuấn Anh, Hạt trưởng Hạt quản lý đê T.P Thái Nguyên cho biết: Đối với các tuyến đê được giao quản lý (gồm đê Mỏ Bạch, đê hữu sông Cầu và đê Gang Thép), chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện những bất thường để đưa ra giải pháp xử lý. Cụ thể, đối với các vị trí thi công còn dở dang trên đê hữu sông Cầu, chúng tôi nhắc nhở đơn vị thi công phải xây dựng phương án hộ đê, hàn khẩu bằng con chạch đất. Cùng với đó, chuẩn bị dự phòng bạt để khi nước lên cao trải phủ để chống xói mòn. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở đơn vị thi công công trình cầu Bến Tượng, phường Trưng Vương thanh thải vật tư dưới lòng sông để khơi thông dòng chảy trước khi nước lũ về; đồng thời, sửa chữa, nạo vét các cống tiêu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Để bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, từ đó, xác định các trọng điểm, các điểm xung yếu để có phương án bảo vệ an toàn cho các tuyến đê. Những đoạn xung yếu đều có tình huống giả định xảy ra sự cố cho đến phương án xử lý bằng kỹ thuật, chủ động vật tư, phương tiện, lực lượng khi cần thiết. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều trên các tuyến đê, xử lý mọi hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ; tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê, hồ đập cho lực lượng thủ kè, thủ cống, cán bộ tham gia công tác phòng chống lụt bão.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, hiện nay, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc chủ động, tích cực cùng các phương án chặt chẽ, cụ thể của các cấp, ngành trong công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê điều sẽ góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.