Trận mưa to kèm dông lốc đêm 28 rạng sáng 29-5 đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, công trình hồ đập, kênh mương và hoa màu. Hiện nay, các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho người dân.
2 địa phương chịu thiệt hại nặng nhất là huyện Đại Từ và Phú Lương. Theo thống kê ban đầu, các hộ dân: Ông Nguyễn Chí Xuân và ông Nguyễn Văn Lạc, tại xóm Văn Cường 3, xã Phú Cường và hộ ông Trần Văn Vinh, xóm Phúc Sơn, xã Phúc Lương (Đại Từ) bị sạt lở đất vào tường nhà ở và các công trình phụ làm hư hỏng nhiểu máy móc sản xuất chè và đồ gia dụng, nứt tường nhà. Tại xóm Liên Hồng 3, xã Vô Tranh (Phú Lương) có một hộ dân bị sập hoàn toàn nhà bếp.
Ngoài thiệt hại về nhà ở của người dân, một số công trình thủy lợi, trường học, kênh mương đã bị ảnh hưởng. Cụ thể là: Tại huyện Đại Từ đã bị sạt lở 15m kè đá xây xóm Chiềng, xã Phú Cường; sạt lở 20m chân đường bê tông vào trường mầm non xóm Làng Mè, xã Phúc Lương; sạt lở đất từ taluy dương xuống đường tại xóm 2, sạt lở kè bằng đá xếp tại xóm 1, xóm 2, xã Tân Linh; khoảng 1km kênh mương đất tại xóm Cây Thổ, xã Na Mao bị đất đá bồi lấp; đổ 52m tường rào chợ Phú Lạc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc cho biết: Chợ xã Phú Lạc mới được đầu tư xây dựng theo tiêu chí chợ nông thôn mới từ năm 2018. Do mưa to, lượng nước lớn dồn xuống nhiều khiến tường rào bị đổ sập. Ngoài bị đổ tường rào chợ, với đặc điểm địa hình ở đây nhiều đồi đất, dễ sạt lở, lại gặp mưa lớn nên một số tuyến đường bê tông hiện cũng đang bị ảnh hưởng do sạt lở đất.
Tại Phú Lương: 10m tường rào Trường THCS Hợp Thành đã bị đổ. Đặc biệt, 5 đường dây trung thế cung cấp điện cho các xã của huyện Phú Lương đã bị ảnh hưởng, khiến khoảng 80% hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện bị mất điện. Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng Chi nhánh Điện lực Phú Lương: Tuy sự cố không gây thiệt hại lớn về tài sản, nhưng phải mất nhiều công sức, thời gian để khắc phục. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Điện lực Phú Lương đã tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định các điểm, đoạn bị hư hỏng. Tuy nhiên, thời tiết tiếp tục mưa to, gió lớn khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Về hoa màu: Nhiều diện tích lúa Xuân đã bị đổ và ngập úng. Nặng nề nhất là tại các xã: Na Mao, Minh Tiến, Đức Lương, Tân Linh, Phú Lạc (Đại Từ); Phấn Mễ, Ôn Lương, Hợp Thành, Cổ Lũng, Phủ Lý (Phú Lương) với tổng diện tích ảnh hưởng lên đến hơn 100ha.
Một đoạn tường rào của Trường THCS Hợp Thành, Phú Lương bị đổ sập.
Sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện bị thiệt hại đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xuống cơ sở nắm tình hình, đồng thời phối hợp với UBND các xã, thị trấn bị ảnh hưởng do mưa giông hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả. Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Đồng thời, các địa phương tập trung dọn dẹp các công trình bị đổ và sạt lở đất nhằm đảm bảo giao thông đi lại được thông suốt, tiêu nước ở một số diện tích cây trồng đang bị ngập úng.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất, sản lượng lúa, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại và hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp khắc phục. Hiện nay, hầu hết các diện tích lúa Xuân đều đang ở thời kỳ vào chắc, người dân cần tiến hành gặt sớm, những diện tích chưa thể gặt cần khẩn trương tháo rút nước để tránh ngập úng. Riêng việc khắc phục sự cố về điện, Theo thông tin từ Chi nhánh Điện lực Phú Lương, đến khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 29-5, sự cố mất điện đã được khắc phục tạm thời để cấp điện cho người dân. Tuy nhiên, tại cột số 01, đường dây 373 E6.6 ở khu vực cánh đồng xóm Ao Sen, xã Động Đạt bị sét đánh thủng phễu cáp, nên cần đến phương tiện và thiết bị của Công ty Điện lực Thái Nguyên cung cấp mới thay, sửa chữa được nên dự kiến khoàng 17 giờ 29-5, sự cố tại đây mới được khắc phục hoàn toàn.
Những năm gần đây, do thời tiết diễn biến phức tạp, trên địa bàn các huyện: Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ hay xảy ra lũ lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Dự báo, năm 2019 là năm có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường về thủy văn. Từ tháng 6 đến tháng 11 có khả năng chịu ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, có thể kèm lốc xoáy. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt là đối với các vùng xung yếu, các vùng hay bị sạt lở đất như: Chân núi Tam Đảo, các đồi cao, các mỏ khai thác khoáng sản, cần thường xuyên kiểm tra và có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy đến, nhằm tránh những thiệt hại về người và tài sản.
*Tại huyện Định Hóa, mưa lớn đã gây ngập úng trên 112ha lúa, 4ha chè tại các xã Bình Thành, Sơn Phú, Bộc Nhiêu, Phú Đình, Bình Yên; gần 20ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Mưa lớn cũng gây sạt lở một số tuyến đường giao thông tại các xã: Phú Đình, Bình Thành, Bộc Nhiêu. Trong đó, 3 tuyến đường bị sạt lở nặng nhất là tuyến đường giao thông từ xóm Trung Tâm đi xóm Nà Mùi, xã Phú Đình; tuyến đường giao thông xóm Vân Nhiêu và đường giao thông xóm Vân Dạo 1, xã Bộc Nhiêu. Theo ước tính, tổng chiều dài đoạn sạt lở trên các tuyến đường nói trên khoảng trên 500 mét.
Đặc biệt, mưa lớn đã khiến cho đập Nà Rị, xã Bình Thành bị bục và trôi hoàn toàn thân đập dài khoảng 20 mét. Được biết, thân đập Nà Rị được đắp bằng đất từ nhiều năm nay. Thân đập cũng chính là tuyến đường giao thông liên xóm từ Thàn Mát đi xóm Thanh Bần. Sau khi thân đập bị vỡ, giao thông của người dân bị chia cắt hoàn toàn.
Ngay trong đêm 28 và ngày 29-5, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Định Hoá đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huy động lực lượng tại chỗ, nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa lớn để ổn định đời sống, sản xuất của người dân; đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động theo dõi, nắm bắt và sẵn sàng ứng phó trước những tình huống xấu do thiên tai có thể xảy ra trong mấy ngày tới.