Hiện nay, dòng suối Ngàn Me, Thác Lạc và Nam Hòa đoạn chảy qua các xã Cây Thị, Nam Hòa và thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) bị nước thải và bùn thải chưa qua xử lý của Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị (Công ty CP Kim Sơn) bồi lấp khiến nhiều đoạn bị tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, canh tác của người dân. Mặc dù đã nhiều lần người dân phản ánh, kiến nghị nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thực tế tại khu vực suối Ngàn Me chảy qua địa phận 3 xóm của xã Cây Thị là Kim Cương, Hòa Bình và Trại Cau (khoảng 3km), chúng tôi nhận thấy, bùn thải gần như ken đặc mặt suối, có đoạn tràn lên cả ruộng của người dân. Bà con nơi đây cho biết, khoảng 2 năm nay, những diện tích ruộng nằm 2 bên bờ suối không thể gieo cấy hay trồng cây màu bởi lớp bùn thải từ dòng suối tràn vào. Nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng ngô nhưng ngô cũng không sống nổi, nên đã chuyển sang trồng cây lấy gỗ. Bà Nguyễn Thị Khánh, ở xóm Hòa Bình cho biết: Lớp bùn đất tràn vào dày tới 40-50cm nên lúa không thể sống được. Còn ông Nguyễn Ngọc Thắng, cũn ở xóm Hòa Bình thì than thở: Ruộng của gia đình tôi bỏ hoang 2 năm nay rồi. Để bùn không chảy vào ruộng, gia đình cũng đã đắp cao bờ nhưng lượng bùn nhiều, nước canh tác thiếu nên đành bỏ hoang. Dòng suối rộng 5-6m trước đây giờ bị thu hẹp chỉ còn chưa đầy 1m.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Cầm, Trưởng xóm Hòa Bình cho biết: Nếu tính diện tích đất canh tác của bà con trong xóm bị ảnh hưởng bởi bùn thải tới khoảng 2ha. Hiện nay, cứ trời mưa là như cả biển bùn, ngập đường đi, lối lại. Còn ông Hoàng Văn Chuyền, Trưởng xóm Trại Cau thông tin thêm: Do dòng suối có chỗ lớp bùn dày tới 70-80cm nên bà con có muốn lấy nước để gieo trồng cũng không thể.
Không chỉ ảnh hưởng đến suối Ngàn Me, đoạn qua xã Cây Thị, việc xả bùn thải của đơn vị này đã tác động xấu tới phía hạ lưu (tức là suối Thác Lạc, chảy qua thị trấn Trại Cau và suối Nam Hòa, chảy qua địa bàn xã Nam Hòa). Bùn thải cũng khiến dòng Thác Lạc và Nam Hòa luôn trong tình trạng bị bồi lắng, nước đục ngầu, ảnh hưởng tới cả trăm héc ta đất canh tác của người dân.
Trước thực trạng trên, ngày 25/12/2017, sau khi kiểm tra thực tế, UBND huyện Đồng Hỷ đã có văn bản khẳng định: Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả thải trực tiếp xuống suối Ngàn Me trong quá trình tuyển rửa, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Do đó, UBND huyện yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động khai thác, chế biến, tuyển rửa của đơn vị này, đồng thời giao cho UBND xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau giám sát.
Tuy nhiên, đơn vị này đã không thực hiện theo cam kết. Sau khi bị đình chỉ, nhiều lần các phòng chức năng của huyện, UBND xã Cây Thị bắt quả tang đơn vị xả thải chưa qua xử lý ra dòng suối. Ngày 5/7/2018, UBND huyện Đồng Hỷ đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan của tỉnh vào cuộc. Sở Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường tại Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị. Mặc dù vậy, trong lúc chờ kết luận thanh tra, các hoạt động xả thải trực tiếp không qua xử lý ra suối Ngàn Me của Chi nhánh vẫn diễn ra. Do đó, ngày 29/3/2019, UBND huyện Đồng Hỷ tiếp tục có văn bản yêu cầu Chi nhánh dừng ngay mọi hoạt động khoáng sản khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Tiếp đến, ngày 5/4/2019, huyện lại giao UBND xã Cây Thị tăng cường giám sát, nếu Chi nhánh vẫn tiếp tục hoạt động và xả bùn thải gây ô nhiễm môi trường thì lập biên bản báo cáo huyện…
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại suối Ngàn Me, Thác Lạc và Nam Hòa, đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương công bố quyết định thanh tra đối với Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị, từ đó có hình thức, phương án xử lý nghiêm khắc, phù hợp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Đặc biệt, chính quyền địa phương, doanh nghiệp liên quan cần có giải pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy, khắc phục tình trạng ngập bùn thải diện rộng để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cũng như điều kiện canh tác cho người dân.