Những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc thiểu số, huyện Định Hóa đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Nói đến Định Hóa, là nói đến quê hương cách mạng An toàn khu, Thủ đô kháng chiến năm xưa. Nơi đây có cộng đồng các dân tộc thiểu số gồm 14 dân tộc, như: Tày, Kinh, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí), Sán Dìu, Mông, H'rê, Vân Kiều, Pà Thẻn, Giáy, Thái, Mường cùng đoàn kết chung sống. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần giác ngộ cách mạng cao, cộng đồng các dân tộc nơi đây đã đoàn kết một lòng che chở cho cán bộ cách mạng và xây dựng nên một vùng căn cứ địa cách mạng an toàn khu vững chắc để lãnh đạo thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Với quan điểm: Thực hiện chính sách dân tộc thiểu số là cải thiện đời sống vật chất và tinh thần mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tôn vinh những thành quả lao động, sản xuất, những giá trị tinh thần, vật chất mà chính đồng bào dân tộc thiểu số đã cống hiến. Đây cũng chính là những nội dung cơ bản mà Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu Các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2014 của huyện đã đề ra.
Mô hình nuôi cá diêu hồng cho hiệu quả kinh tế cao của đồng bào dân tộc thiểu số trên hồ Bảo Linh, xã Bảo Linh (Định Hóa). Ảnh: Nguyên Ngọc
Nhìn lại 5 năm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu công tác dân tộc của huyện có thể thấy diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi huyện Định Hóa hôm nay đã có nhiều đổi thay. Từ năm 2014-2018, nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình, mục tiêu về chính sách cho đông bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đạt trên 170 tỷ đồng gồm các chương nhình, như: Chương trình 135; Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế; Dự án Đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng; chính sách hỗ trợ mô hình giảm nghèo; chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông ổn định sản xuất và các chính sách về phát triển văn hóa-xã hội... được thực hiện đồng bộ.
Hàng năm, huyên tổ chức cấp mới trên 8.300 thẻ Bảo hiểm y tế cho đồng bào, phối hợp với các tổ chức nhân đạo, từ thiện thăm khám bệnh miễn phí cho hàng chục nghìn lượt đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBKK. Đối với công tác giáo dục, huyện luôn quan tâm đầu tư phát triển cơ sở vật chất và tuyển chọn học sinh vùng ĐBKK, dân tộc thiểu số theo học trường nội trú. Hiện, toàn huyện có 85% số trường học đạt chuẩn Quốc gia. Hàng năm, huyện huy động trên 20 tỷ đồng từ các nguồn lực tài trợ ngoài ngân sách Nhà nước xây dựng trường lớp cho con em đồng bào vùng ĐBKK.
Có thể nói, với các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chính sách dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện những năm qua đã tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt bình quân 14,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 22,0 triệu đồng, năm 2018 là 39,6 triệu đồng, đến năm 2019 ước đạt 45 triệu đồng.
Đồng bào dân tộc Tày ở Làng Văn hóa du lịch Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa) biểu diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính cho du khách đến thăm quan thưởng thức. Ảnh: Nguyên Ngọc
Chuyển biến mạnh mẽ nhất chính là nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2014 giá trị thu nhập trên 1ha đất nông nghiệp là 76,9 triệu đồng, đến năm 2018 đã đạt 81 triệu đồng, dự ước năm 2019 đạt 83 triệu đồng. Về xây dựng kết cấu hạ tầng từ năm 2014-2018 tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã đầu tư là 1.020,85 tỷ đồng, đầu tư cho 1.791 công trình; riêng năm 2019 là 225,99 tỷ đồng, đầu tư cho 482 công trình. Huyện có 24/24 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã, 100% tỷ lệ xã có đường trục xã, liên xã được cứng hóa.
Tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Định Hóa. Ảnh: Nguyên Ngọc
Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Định Hóa có chiều dài hơn 17km nối tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Tuyên Quang, đến nay đã hoàn thành hơn 20km, là cầu nối phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng ĐBKK với các khu công nghiệp, vùng kinh tế. Nhờ các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế đầu tư tập trung, những năm qua đời sống nhân huyện đã cải thiện tích cực. Năm 2016 toàn huyện có 20,36% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số và vùng ĐBKK, đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ còn 11,17%.
Đặc biệt, phong trào Chung tay xây dựng Nông thôn mới, 5 năm qua, toàn huyện đã vận động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, huy động đóng góp công sức, vật chất trị giá gần 5 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 6 xã được công nhận đạt xã nông thôn mới.
5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu Các dân tộc thiểu số lần thứ II, 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và diện mạo vùng đất Thủ đô gió ngàn năm xưa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có được kết quả đó chính là sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó chính là sự phát huy nội lực, đổi mới tư duy của chính đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động nắm bắt cơ hội từ các chương trình mục tiêu đầu tư phát triển để cải thiện cuộc sống của bản thân và cộng đồng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.