Rừng phòng hộ hồ Núi Cốc được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác lập với diện tích trên 3.453ha thuộc địa bàn 6 xã của 3 địa phương trong tỉnh và giao cho ngành Nông nghiệp - PTNT quản lý. Khu rừng này có vai trò đặc biệt trong việc tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và nâng cao sự đa dạng sinh thái của rừng phòng hộ hồ Núi Cốc vẫn chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Do vậy, ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đang có kế hoạch xây dựng đề án phát triển khu rừng này thành rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan. Để tìm hiểu rõ hơn về đề án này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
P.V: Ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh có giải pháp như thế nào để nâng cao tính đa dạng sinh học và bảo vệ cảnh quan của rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phán: Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã, đang tham mưu đề xuất giải pháp cụ thể như: Xây dựng quy chế đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ hồ Núi Cốc phù hợp chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp của Chính phủ và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị giá tăng, phát triển bền vững theo cơ chế đồng quản lý rừng. Ngành sẽ triển khai thực hiện các biện pháp lâm sinh để phát triển rừng, khoanh nuôi bảo vệ đối với những hệ sinh thái rừng tự nhiên nhằm tái tạo các loài cây bản địa; tiếp đó là tạo cấu trúc rừng hỗn giao, nhiều tầng tán, khác tuổi để từng bước tiệm cận với rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, đơn vị bố trí các loài cây lâm nghiệp có hoa, quả, tạo ra các màu sống động, đẹp mắt và tạo môi trường sinh sống cho các loài động vật hoang dã. Các hệ sinh thái rừng này kết hợp với cảnh quan mặt hồ rộng lớn, các loài động vật sinh sống tạo nên không gian lý tướng để khai thác du lịch. Trong công tác quản lý, ngành Nông nghiệp - PTNT thực hiện thống nhất gắn kết giữa phát triển du lịch sinh thái với công tác bảo vệ rừng phòng hộ; giao đất gắn với giao rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc.
P.V: Để phát triển rừng phòng hộ thành rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan cần huy động nguồn lực như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phán: Theo quy định của pháp luật hiện hành, mức chi phí cho 01ha trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 60 triệu đồng/ha (gồm 1 năm trồng và 3 năm chăm sóc). Kết thúc giai đoạn chăm sóc sẽ chuyển sang khoán bảo vệ rừng với mức hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng hiện nay là 400.000 đồng/ha/năm.
Trong đó, chi phí 01ha trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng được huy động từ nguồn Ngân sách Nhà nước là 30 triệu đồng/ha (theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg), còn lại là nguồn vốn khác, gồm: Người dân đối ứng công lao động; nguồn vốn do các tổ chức, cá nhân đầu tư…
P.V: Người dân trong khu vực rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan được hưởng những quyền lợi gì, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phán: Quyền hưởng lợi của người dân trong rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan được ngân sách Nhà nước hỗ trợ trồng rừng 30 triệu đồng/ha; khoán bảo vệ rừng: 400 nghìn đồng/ha/năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên (không trồng bổ sung mức 3 triệu đồng/ha/năm và có trồng bổ sung mức 1,6 triệu đồng/ha/năm) trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo. Các tổ chức, hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng còn được chia sẻ lợi ích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật. Điều khác của rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan so với rừng phòng hộ (theo Điều 52 Luật Lâm nghiệp) là người dân được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng, nấm trong quá trình thực hiện biện pháp lâm sinh để bảo tồn, tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; được thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn bản vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng; mức hỗ trợ mỗi thôn bản là 40 triệu đồng/thôn, bản/năm. Được phép hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng theo quy chế quản lý rừng. Người dân được hưởng các quyền lợi khi tham gia thực hiện các chương trình, dự án đầu tư vào khu rừng đặc dụng và vùng đệm…
P.V: Việc ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh phát triển rừng phòng hộ hồ Núi Cốc thành rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan có ảnh hưởng như thế nào đến các dự án đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phán: Cùng với việc xây dựng hồ Núi Cốc thành Khu du lịch Quốc gia trước năm 2025, hướng tới trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của Quốc gia thì việc quy hoạch và phát triển rừng phòng hộ hồ Núi Cốc thành khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan là định hướng trong giai đoạn hiện nay.
Định hướng quy hoạch sẽ tận dụng tối đa diện tích để xây dựng hệ thống đường bao, đường lô (đường dạo) kết hợp với hệ thống các lô chức năng trong đó bố trí khu trồng cây có tác dụng phòng hộ kết hợp với tạo cảnh quan đẹp để hấp dẫn du khách đến tham quan du lịch, nghỉ ngơi, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường. Việc lựa chọn các vị trí (các lô đất) và kết hợp hài hòa với cảnh quan trong từng lô để bố trí các mô hình cây xanh phù hợp. Mỗi lô có tổ chức không gian riêng, không trùng lặp, nhưng hài hòa với tổng thể cảnh quan của khu rừng. Xây dựng hệ thống cây trồng trong khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Hồ Núi Cốc cần quán triệt phương châm lợi dụng tối đa cây có tại chỗ, chỉ phát bỏ dây leo, bụi rậm, cây phi mục đích để không làm ảnh hưởng đến diễn thế của rừng và phá vỡ cảnh quan trong khu vực…
Như vậy, đối với các dự án đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được Ngành quan tâm, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo việc thực hiện các dự án đầu tư không gây ảnh hưởng đến tổ chức không gian và hài hòa với tổng thể cảnh quan của khu rừng. Ngược lại, việc phát triển rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động du lịch.
P.V: Xin cảm ơn ông!