Đó là một trong nhiều nội dung mà đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh sáng ngày 7-5 nhằm khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” (ảnh).
Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành liên quan.
Tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc việc quán triệt tổ chức học tập, đến xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW. Tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thực hiện có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong cải cách hành chính. Hệ thống thư điện tử địa chỉ @thainguyen.gov.vn duy trì trên 9000 tài khoản thư điện tử cho cán bộ, công chức. Hiện nay đã có 31 sở, ban, ngành, 9 huyện, thành, thị và 180 xã, phường, thị trấn thực hiện liên thông trao đổi văn bản, tích hợp chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản. Công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), nhân lực có tay nghề cao được quan tâm.
Toàn tỉnh có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo trên 78 nghìn người/năm. Giai đoạn 2014-2018, đã đào tạo trên 186 nghìn người, trong đó số nhân lực tay nghề cao chiếm trên 28%... Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật CNTT trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan, đơn vị còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; tình trạng thừa lao động đã qua đào tạo, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động khu vực và quốc tế…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã giải đáp những vấn đề mà các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị làm rõ liên quan đến việc đầu tư hạ tầng CNTT, việc liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo lao động có tay nghề cao; vấn đề phân luồng trong đào tạo…
Đồng chí Nguyễn Thanh Long đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong việc thực hiện 2 chỉ thị, nghị quyết. Đặc biệt là việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT, chất lượng nguồn nhân lực ở lĩnh vực CNTT có nhiều chuyển biến tốt; việc ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan Đảng, chính quyền đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đặc biệt, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực CNTT vào đầu tư; kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo công nhân có tay nghề cao.
Đồng chí cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính mức độ 3,4; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao; quan tâm phân luồng trong đào tạo…
*Tiếp tục chương trình khảo sát, chiều ngày 7-5, Đoàn công tác của Ban Tuyên Giáo Trung ương đã làm việc với Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên xung quanh việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”.
Theo báo cáo của lãnh đạo Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37-CT/TW. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giảng viên về vai trò quan trọng của đào tạo nhân lực y tế có tay nghề cao. Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, Trường đã chủ động cử cán bộ, giáo viên đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn tại nước ngoài. Từ 2014 đến nay đã cử 11 giảng viên đi học thạc sỹ tại các nước Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan. Và cũng từ 2014 đến nay, Nhà trường đã liên kết với các đơn vị đưa 59 sinh viên đi thực tập tại Nhật Bản, trên 700 em đi làm việc tạị Đài Loan và 18 em đi làm việc tại Đức.
Đoàn khảo sát cũng ghi nhận một số kiến nghị của Nhà trường như: Cho phép Trường xây dựng lộ trình phát triển theo hướng tự chủ để đào tạo nguồn nhân lực y tế có tay nghề cao; hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ để Nhà trường đạt tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao thuộc “Đề án phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”….