Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2019, 16 sở, ngành cấp tỉnh phải triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến 36 văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành.
Trong đó, có một số sở, ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản pháp luật, như: Sở Tư pháp 3 văn bản pháp luật (Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị, Công ước quốc tế về chống tra tấn); Sở Công thương 4 văn bản pháp luật (Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mạitự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu); Sở Nông nghiệp và PTNT 5 văn bản pháp luật (Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Thủy Lợi), Công an tỉnh 5 văn bản pháp luật (Luật Đặc xá, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Thi hành án hình sự, Luật An ninh mạng). Các sở, ngành cấp tỉnh còn lại có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến từ 1 đến 3 văn bản pháp luật. Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu đối với các văn bản pháp luật chuyên ngành cần định hướng dư luận xã hội hoặc dư luận xã hội quan tâm, các sở, ngành cấp tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời tham mưu để bổ sung vào kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2019.
Tính đến cuối tháng 5, mới có Sở Tư pháp và số ít các sở, ngành hoàn thành tuyên truyền văn bản pháp luật được giao đến các đối tượng là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, cán bộ làm công tác tư pháp, công tác chuyên ngành của 9 huyện, thành, thị và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để 100% các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành được tuyên truyền, phổ biến và đi vào cuộc sống, đề nghị các cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường giám sát việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo kế hoạch của UBND tỉnh. Nhất là, đối với những văn bản pháp luật có tác động lớn đến đời sống xã hội, như:Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật Chăn nuôi…