Đưa ra các giải pháp dập dịch trọng tâm, sát với tình hình thực tế

18:43, 09/06/2019

Chiều 9-6, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác dập dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đại Từ.  

Theo báo cáo của UBND huyện, tính đến ngày 8-6, huyện Đại Từ có 23/30 xã công bố dịch tả lợn châu Phi, số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải tiêu hủy trên 9.600 con với trọng lượng hơn 700 tấn, chiếm 10,5% tổng đàn. Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhiễm đến các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn. Khó khăn trong công tác dập dịch của huyện hiện nay là: Việc triển khai các biện pháp giám sát, quản lý lợn ốm chết gặp khó khăn do thời gian đợi kết quả xét nghiệm dài (từ 3 đến 5 ngày); việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm thịt lợn gặp khó khăn do địa bàn rộng, các hộ giết mổ nhỏ lẻ nhiều…

Tại buổi kiểm tra, đại diện lãnh đạo huyện Đại Từ đã đưa ra một số đề nghị: Tỉnh cần xem xét, rút ngắn quy trình kiểm dịch vận chuyển; tạo điều kiện cho người chăn nuôi trong vùng dịch xuất bán lợn khi có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi; đề nghị thành lập chốt kiểm dịch cấp tỉnh ở xã Yên Lãng, giáp ranh với huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang…

Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Dương Văn Lượng yêu cầu huyện Đại Từ cần đánh giá lại công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, xác định thực trạng chăn nuôi của các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay để từ đó đưa ra các giải pháp dập dịch trọng tâm, cụ thể, sát với tình hình thực tế. Cùng với đó, huyện cần công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ cho bà con, tránh tình trạng trục lợi chính sách; đồng thời, rà soát, lập danh sách số lượng các hộ chăn nuôi có vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con. Về đề xuất giải pháp hỗ trợ tiêu thụ lợn trong vùng dịch, đồng chí giao Sở Nông nghiệp - PTNT cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu lại các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp - PTNT để tham mưu cho UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, đoàn công tác của tỉnh cũng đã đi kiểm tra công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại hồ Gò Miếu, xã Ký Phú. Hiện nay, cơ bản mặt nước hồ đã trong xanh trở lại, không còn tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương cần tiếp tục giám sát, đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.