Sáng 23-7, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu (ĐB) chia thành 4 tổ thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay, đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019; đồng thời thảo luận về nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được UBND tỉnh và các sở, ngành trình tại Kỳ họp. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi ý kiến thảo luận của các ĐB.
Về tình hình phát triển KT-XH:
Hầu hết các ĐB cho rằng, báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm đã phản ánh toàn diện bức tranh kinh tế của tỉnh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết liệt, toàn diện, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và sự linh hoạt, sáng tạo của các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là mức tăng trưởng kinh tế đạt 8,28%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
Thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp cần triển khai thực hiện hiệu quả trong những tháng cuối năm, các ĐB tập trung đóng góp ý kiến về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư… ĐB Dương Văn Lượng (Tổ Phú Bình) cho rằng, từ nay đến cuối năm có 2 chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông nghiệp và công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các cấp, ngành phải tập trung cao độ, có giải pháp linh hoạt, phù hợp để khắc phục, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Về một số nội dung trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ T.X Phổ Yên) đề nghị tỉnh xem xem xét, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh. Vì hiện nay rất nhiều dự án doanh nghiệp bị vướng mắc do nguyên nhân khách quan. Đồng thời, kiên quyết thu hồi dự án triển khai chậm tiến độ, vi phạm cam kết đầu tư theo quy định. ĐB Phạm Thái Hanh (Tổ Định Hóa) cho rằng, các dự án thu hút đầu tư có vai trò rất quan trọng với sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, cần thẩm định kỹ năng lực của các nhà đầu tư, theo dõi sát tiến độ triển khai, tăng cường thanh kiểm tra và có chế tài xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai. ĐB Mai Thị Thúy Nga (Tổ Phú Bình) chỉ ra trong báo cáo về huy động vốn của các tổ chức tín dụng ngân hàng có hạn chế do việc thẩm định chưa kỹ, định giá tài sản quá cao dẫn đến khi phát sinh nợ xấu, đơn vị thi hành án gặp khó khăn khi thu hồi vốn cho ngân hàng…
Về việc sáp nhập các đơn vị hành chính:
Cho ý kiến vào 2 tờ trình về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn T.P Sông Công và huyện Định Hóa; tờ trình về sáp nhập xóm, tổ dân phố tại một số phường, xã, thị trấn thuộc T.P Thái Nguyên và 2 huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, các ĐB nhất trí cho rằng đây là chủ trương lớn, cần được tiến hành sớm. Tuy vậy, ĐB Nguyễn Như Tuấn (Tổ Phú Bình) đề xuất là cần tính toán kỹ lưỡng tính phù hợp, mức độ gia tăng dân cư trong giai đoạn dài, tránh xảy ra trường hợp nhập rồi lại tách. Cùng quan điểm này, ĐB Lương Văn Lành (Tổ Định Hóa) cho rằng nên quan tâm thêm đến yếu tố đặc thù của từng vùng miền, dân tộc để xây dựng phương án sáp nhập, tổ chức bộ máy nhân sự cho phù hợp. ĐB Kiều Thị Thao (Tổ Phú Bình) nêu ý kiến, thời hạn sáp nhập các xóm, tổ dân phố do UBND tỉnh đề ra vào cuối năm 2019 cũng cần xem xét lại cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Vi Thị Chung (Tổ Đại Từ) đề nghị thống nhất số liệu dân số của Định Hóa và Võ Nhai giữa báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết. ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên) lưu ý làm rõ nội dung sau khi thực hiện sáp nhập các xóm, tổ dân phố vẫn còn 32/86 đơn vị chưa đạt quy mô hộ gia đình theo quy định. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu xây dựng mô hình mẫu nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao cho nhân dân ở xóm, tổ dân phố để đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài và bền vững…
Về việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIII:
Nhiều ĐB cho rằng việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm, chưa đề ra thời hạn yêu cầu giải quyết xong. ĐB Lê Thanh Tuyết (Tổ T.X Phổ Yên) nêu, có tới gần 70% các ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn đang trong quá trình giải quyết, trong đó nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Đề nghị các ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh quan tâm giải quyết dứt điểm, tránh gây bức xúc kéo dài trong nhân dân.
Một số kiến nghị đáng chú ý về nội dung này là: ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ T.P Sông Công) đề nghị tỉnh làm rõ tiến độ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Sông Công I hoặc tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết triệt để kiến nghị của cử tri về vấn đề này. ĐB Chu Thị Thúy Hà (Tổ Định Hóa) nêu: UBND tỉnh đã đồng ý với kiến nghị của huyện Định Hóa về việc xây dựng lại trạm phát sóng truyền hình cho 12 xã phía Nam của huyện từ năm 2016. Cử tri cũng rất thiết tha đề nghị công trình sớm được triển khai nhưng đến nay chưa được thực hiện; ĐB Dương Văn Tiến (Tổ Võ Nhai) phản ánh, cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá chất lượng cung ứng điện của các HTX dịch vụ điện để sớm có phương án xử lý; ĐB Nguyễn Hoàng Mác (Tổ T.P Thái Nguyên) nêu, việc xây dựng hạ tầng tại các khu đô thị (nhất là khu vực T.P Thái Nguyên) còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữ các đơn vị dẫn đến việc hè đường bị đào lấp nhiều lần, gây mất mỹ quan đô thị và bức xúc trong nhân dân…
Về các vấn đề khác:
Tại phiên thảo luận, các ĐB đã đóng góp ý kiến vào một số báo cáo, tờ trình. ĐB Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Tổ Định Hóa) và một số ĐB khác cho rằng: Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 50 sản phẩm địa phương đạt chuẩn nêu trong Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025” cần phải xem xét lại. Mục tiêu của đề án là xây dựng xã hay sản phẩm? Tính cấp thiết của đề án chưa được đề cập cụ thể, rõ ràng. Đề nghị có đánh giá hiệu quả thực hiện của đề án trong giải quyết việc làm, giá trị về KT-XH? Việc thống kê sản phẩm tiềm năng cần chú trọng đặc trưng của từng vùng, địa phương.
Liên quan đến báo cáo thẩm tra và kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, ĐB Nguyễn Thái Nam (Tổ Định Hóa) lý giải, việc chậm giải ngân một số nguồn vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số là do Trung ương chưa cấp vốn. Từ nay đến cuối năm, Ban sẽ phối hợp phân bổ nguồn vốn để các địa phương triển khai các chương trình, dự án. Cùng vấn đề này, ĐB Hoàng Văn Quý (Tổ Võ Nhai) đề nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và các giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2017-2020…