Những năm qua, các cấp Công đoàn đã có nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhờ vậy, tạo dựng được vị trí vững chắc của tổ chức công đoàn đối với công nhân, viên chức và người lao động trong tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công đoàn Việt Nam tiền thân là tổ chức Công hội đỏ Bắc kỳ, được thành lập ngày 28/7/1929, tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn đã phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vận động, tập hợp công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đi đầu trong mọi phong trào hành động cách mạng, tuyên truyền, giáo dục công nhân, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua lao giỏi - lao động sáng tạo, phong trào xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của đông đảo CNVCLĐ.
Đối với Thái Nguyên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, vào tháng 11-1946, Liên hiệp Công đoàn tỉnh chính thức được ra đời. Trải qua 73 năm đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ CNVCLĐ tỉnh đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có 12 công đoàn cơ sở với 2.130 đoàn viên khi mới thành lập, đến nay toàn tỉnh có trên 150.000 đoàn viên đang sinh hoạt tại 1.380 công đoàn cơ sở. Với mục tiêu, không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động, các cấp Công đoàn tỉnh đã thường xuyên đổi mới cả về nội dung cũng như phương thức hoạt động theo phương châm: Hướng về cơ sở, lấy cơ sở là địa bàn, lấy CNVCLĐ là đối tượng để tổ chức các hoạt động, đồng thời lấy chăm lo lợi ích là sợi dây gắn kết giữa Công đoàn với người lao động.
Trong giai đoạn 2013-2018, đã có trên 30.000 sáng kiến cải tiến, giải pháp và các đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; nhiều sáng kiến, giải pháp và các đề tài được áp dụng vào thực tế mang lại giá trị làm lợi trên 219 tỷ đồng; có trên 147 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp và phục vụ nông nghiệp, nông thôn được đưa vào áp dụng trong sản xuất. CNVCLĐ đã đóng góp gần 60 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa… Hằng năm, có trên 80% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”;trên 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký và đạt chuẩn văn hóa… |
Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung hoạt động nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực chăm lo đời sống, nâng cao phúc lợi đối với đoàn viên, CNVCLĐ, tăng cường sự gắn kết của đoàn viên, CNVCLĐ đối với tổ chức Công đoàn. Qua đánh giá cho thấy, đời sống người lao động đã được cải thiện rõ rệt với tiền lương bình quân hiện đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ phúc lợi như bữa ăn ca, giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, đời sống tinh thần… của người lao động được các cấp công đoàn quan tâm sát sao. Công đoàn đã đẩy mạnh thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có những điều khoản có lợi cho người lao động về: thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng; an toàn vệ sinh lao động; đảm bảo bữa ăn ca cho người lao động và các chế độ phúc lợi khác... Hàng nghìn cuộc đối thoại giữa chủ tịch công đoàn, người sử dụng lao động với người lao động đã trực tiếp giải quyết nhiều kiến nghị, thắc mắc của người lao động, không để xảy ra hiện tượng khiếu kiện kéo dài.
Với mục tiêu “Quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn”, từ đầu năm 2019 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tết sum vầy với trên 200 chuyến xe đưa công nhân về quê ăn tết; Chương trình Mái ấm công đoàn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động văn hóa, thể thao; chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng “Hát cho công nhân nghe và nghe công nhân hát”… Đặc biệt, Ngày hội công nhân năm 2019 với sự tham gia của trên 6.000 CNVCLĐ và lễ cưới tập thể cho 19 cặp đôi lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Nguyên đã thu hút được sự chú ý của hàng chục nghìn người và thực sự đã đem đến niềm vui, hạnh phúc cho công nhân.
Cùng với công tác chăm lo thì việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước cũng được Công đoàn tỉnh coi trọng. Các phong trào thi đua luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan và đơn vị, nội dung thi đua luôn phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Các phong trào thi đua do LĐLĐ tỉnh phát động như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”; “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hưởng ứng tham gia.
Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Công đoàn đã thực sự là người đại diện, bảo vệ, chăm lo, đồng thời là chỗ dựa tin cậy của người lao động trên địa bàn tỉnh. Từ những kết quả đó, tổ chức Công đoàn tỉnh cũng ý thức được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu với các hiệp định thương mại thế hệ mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến từng doanh nghiệp và mỗi người lao động. Thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động hướng về người lao động, trước mắt là thực hiện được 3 khâu đột phá mà Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã xác định, gồm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh; đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Từ đó, nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.