Trong số 56 lượt ý kiến đại biểu HĐND và các cơ quan tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ, đã có nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu quan tâm, đề nghị UBND tỉnh giải trình. Dưới đây là một số ý kiến đã được lãnh đạo UBND tỉnh làm rõ tại Kỳ họp.
* Về vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư và công tác kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND cho biết: Ngày 3-11-2017, UBND tỉnh ra Quyết định số 33/2017/UBND ban hành quy định một số nội dung về quản lý, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đã tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 1-7-2014 trở về trước. Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn trên 60 dự án triển khai từ sau ngày 1-7-2014 đến ngày 1-7-2017, còn đang vướng mắc về mặt thủ tục do quy định của Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ 1-7-2014 nên không thể triển khai. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp để đẩy nhanh tiến độ tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết vướng mắc.
Đối với công tác kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tính từ năm 2013 đến tháng 7-2019, tỉnh đã ra quyết định thu hồi 183 dự án. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện các dự án. Mới nhất, tháng 4-2018, đã kiểm tra 97 dự án. Đến nay, đã có 6 dự án bị thu hồi và đang làm quy trình thủ tục thu hồi 38 dự án. Một số dự án sau khi thu hồi đã có nhà đầu tư tiếp quản và hoàn thành. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra và kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.
* Liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong những năm qua, tỉnh ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư cho giáo dục - đào tạo và y tế. Nhờ đó, Thái Nguyên hiện không còn phòng học tạm và những năm gần đây, mỗi năm, tỉnh đã chi hơn 200 tỷ đồng để hỗ trợ cho việc giảng dạy và nấu ăn ở các trường mầm non, phổ thông. Tuy nhiên, để đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu tới 1.786 phòng học, 3.327 giáo viên. Số tiền cần để giải quyết cho vấn đề này lên tới trên 3.000 tỷ đồng. Còn trong lĩnh vực y tế, so với các tỉnh trong khu vực, Thái Nguyên được đánh giá có hệ thống cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe tương đối tốt, đồng bộ. Tuy nhiên, do nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội thì trong công tác này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định về cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sĩ. Trước thực trạng này, tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm thu hút các nhà đầu tư vào cả lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế. Ngoài ra, làm rõ việc thu hồi số tiền đã chi sai cho các đối tượng thương binh, nạn nhân chất độc da cam giả, cũng theo đồng chí Trịnh Việt Hùng: Có gần 1.000 đối tượng thuộc diện này, với tổng số tiền đã chi là gần 50 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh mới thu hồi được hơn 20 tỷ đồng; còn khoảng 30 tỷ đồng vẫn đang tiếp tục được thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi này gặp rất nhiều khó khăn vì trên thực tế, các đối tượng này đều thuộc đối tượng chính sách, gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng lao động, không có thu nhập. Nên cạnh việc thực hiện thu hồi, chúng ta vẫn phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho các hộ dân này.
* Về công tác chỉ đạo, xử lý phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Tính đến ngày 22-7, tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh là 132.668 con, thuộc 2.014 xóm, ở 174 xã, phường, thị trấn. Tổng số lợn tiêu hủy chiếm gần 19% so với tổng đàn lợn (tỷ lệ này của 12 tỉnh thuộc Chi cục Thú y vùng II là 27,41%/tổng số đàn). Ước tính kinh phí hỗ trợ cho các chủ nuôi có lợn bị tiêu hủy của tỉnh khoảng 236 tỷ đồng. Khoảng 1 tuần trở lại đây, số lợn ốm, chết buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch này có chiều hướng giảm dần (hiện là 500-700 con/ngày). Hiện nay, dịch bệnh trong cả nước, khu vực và tỉnh Thái Nguyên vẫn diễn biến phức tạp, do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.