Phát huy vai trò mô hình tự quản ở khu dân cư

16:38, 05/07/2019

Chiều 5-7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án mô hình tự quản do Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên để nắm tình hình về tổ chức và hoạt động của các mô hình tự quản ở khu đân cư thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Làm việc với Đoàn có các đồng chí: Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện một số ngành, đoàn thể liên quan (ảnh).

Theo báo cáo, hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh hiện nay là sự cụ thể hóa, gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động như: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào dân vận khéo; toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… Toàn tỉnh có 3.008 khu dân cư. Mỗi thôn, tổ dân phố đều có ban công tác mặt trận, cơ bản đủ các chi hội, đoàn thể: Phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân, khuyến học… Thông qua hoạt động của các tổ chức ở xóm, tổ dân phố đã tạo hiệu quả tích cực về các mặt: Quản lý hành chính, vận động nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện nếp sống văn minh. Nhiều mô hình tự quản bước đầu phát huy hiệu quả, cụ thể trong các lĩnh vực như: Giúp nhau phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Đồng thời góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, một số mô hình tự quản còn tình trạng trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thành viên; chất lượng phong trào quần chúng có nơi còn thiếu bền vững, thiếu kinh phí duy trì hoạt động…

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm một số khó khăn trong tổ chức chỉ đạo, cơ chế và hình thức hoạt động của mô hình tự quản; cơ chế hỗ trợ tài chính; chỉ rõ nguyên nhân một số mô hình hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu, xây dựng phương án hợp nhất các tổ tự quản ở khu dân cư theo hướng tinh gọn, thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời có hướng dẫn quy trình, quy mô thành lập các tổ tự quản ở xóm, tổ dân phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Xuân Hòa khẳng định: Việc xây dựng Đề án mô hình tự quản là rất cần thiết, góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Đồng chí đề nghị và nhấn mạnh một số giải pháp để nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản, là: Thống nhất quan điểm Đảng lãnh đạo toàn diện, thông qua Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng phong trào trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự quyết và tự chịu trách nhiệm; đề nghị Trung ương xây dựng chủ trương chung, các địa phương, cơ sở tự lựa chọn mô hình phù hợp với thực tế; Nhà nước cần sớm có thể chế, quy định và cần định hướng cụ thể cho các mô hình.

Trung tương Nguyễn Song Phi đánh giá, việc tổ chức khảo sát nắm tình hình ở Thái Nguyên đã chỉ ra cụ thể những điểm được và chưa được trong tổ chức và hoạt động các mô hình tự quản, cũng như những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo thực hiện của các cấp. Những ý kiến kiến nghị của Thái Nguyên sẽ được Đoàn công tác tổng hợp gửi lên Trung ương nhằm hoàn thiện nội dung Đề án một cách khoa học và phù hợp nhất với thực tế.

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã thực tế khảo sát một số mô hình tự quản tại phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên (ảnh).