Việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 đã đi được nửa chặng đường. Bên cạnh những kết quả rất đáng phấn khởi thì vẫn còn nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan chức năng. Nhân kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII, Báo Thái Nguyên phản ánh một số ý kiến, kiến nghị từ cơ sở.
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thiếu trầm trọng
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh
Trong tổng dư nợ tín dụng 3.389 tỷ đồng hiện nay mà Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đang quản lý, chỉ có 148 tỷ đồng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (trong đó trung ương cấp 60 tỷ, còn lại do địa phương ủy thác), với 3.700 hộ còn dư nợ. So với nhu cầu thực tế thì hiện chỉ có khoảng 5% số hộ được đáp ứng. Nguồn vốn cho vay của NHCSXH tỉnh lâu nay phụ thuộc chủ yếu vào sự phân bổ của Trung ương, trong khi đó, nhiều năm liền, nguồn vốn này không được bổ sung hoặc bổ sung không đáng kể. Vì thế, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh trong việc ủy thác qua NHCSXH tỉnh để thực hiện việc cho vay, cũng như huy động sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp. Những năm qua, mặc dù tỉnh ta đã rất quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho người dân, nhưng với những lao động trên 40 tuổi lại rất khó tìm được việc nên họ cần được vay vốn để phát triển kinh tế tại gia đình. Tôi mong, tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện để nguồn vốn này đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người vay trong thời gian tới.
Cần ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường
Ông Nguyễn Đức Toàn, cử tri phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên)
Tôi thấy có một thời gian các cơ quan chức năng xử lý rất nghiêm tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy trên đường. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng này lại tái diễn và có chiều hướng gia tăng. Hằng ngày, chúng tôi chứng kiến các xe siêu trường, siêu trọng chạy ra từ Nhà máy xi măng Quan Triều, Mỏ than Khánh Hòa, Mỏ sắt Trại Cau qua các tuyến đường trong khu dân cư, Quốc lộ 1B (đoạn qua phường Tân Long). Nhất là vào giờ cao điểm, các loại xe này vẫn được chạy vào Thành phố. Điều này không những tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gia tăng tai nạn mà còn là nguyên nhân trực tiếp làm hư hỏng giao thông đường bộ. Tôi đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các xe vi phạm.
Sớm thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn
Ông Lê Xuân Bẩy, Chủ tịch UBND xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên)
Tính đến ngày 20-7, xã Đắc Sơn có hơn 44 tấn lợn của 52 hộ dân bị nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy. Mặc dù xuất hiện ổ dịch từ tháng 3, nhưng đến nay các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn Thị xã vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Trong khi đó, thu nhập của nhiều hộ dân phụ thuộc chủ yếu từ chăn nuôi lợn, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, do vay vốn từ ngân hàng để đầu tư chăn nuôi nên không ít hộ hàng tháng vẫn phải trả lãi. Bà con mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư, ổn định sản xuất và đời sống. Ngoài ra, đề nghị tỉnh có giải pháp giúp người chăn nuôi được khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng để từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất hoặc chuyển sang hướng làm ăn mới.
Sáp nhập xóm sẽ mang lại nhiều lợi ích
Bà Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên
Xã Mỹ Yên hiện có 15 xóm, các xóm ở đây hầu hết đều có quy mô dân số thấp, đặc biệt là 3 xóm: Thuận Yên có 32 hộ, Bắc Hà 1: 48 hộ, Bắc Hà 2: 45 hộ. Việc quy mô dân số thấp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động, phong trào của địa phương mà việc huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư cũng hết sức khó khăn, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mức đóng góp cao, kinh phí đầu tư dàn trải. Hơn nữa, việc nhiều xóm cũng tạo ra nhiều đầu mối trong quản lý của chính quyền cơ sở, làm giảm chất lượng, hiệu quả trong hoạt động và tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Vì thế, chủ trương sáp nhập xóm sẽ mang lại nhiều lợi ích cùng lúc. Sau khi sát nhập dự kiến xã còn 7 xóm, cứ 2 xóm sáp nhập thành 1 xóm, riêng 3 xóm: Thuận Yên, Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2 là 3 xóm có quy mô dân cư thấp nhất sáp nhập thành 1 xóm.
Tình trạng ngập úng ảnh hưởng tới đời sống nhân dân
Ông Lê Văn Phương, xóm Trường, Thị trấn Chợ Chu (Định Hóa)
Tôi sinh sống ở đây hơn 20 năm qua chưa bao giờ thấy khu vực này xảy ra ngập úng. Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh (từ cuối năm 2016 đến nay), cứ mỗi khi xảy ra mưa lớn là toàn bộ khu dân cư xóm Trường và khu vực cổng Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chu lại bị ngập úng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do đường Hồ Chí Minh xây dựng cao hơn nền đất cũ đã tạo thành bờ đê che chắn xung quanh khu dân cư xóm Trường nhưng lại không có hệ thống mương thoát nước. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân xóm Trường, cũng như việc học tập của các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chu. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền địa phương, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.