Năm 2019 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Do đó, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều ý nghĩa quan trọng. Để đóng góp vào kết quả chung không thể thiếu vai trò giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh. Nhằm hiểu rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trước khi kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra.
PV: Trước hết, xin đồng chí cho biết kết quả hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm nay?
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm: Trước hết là đối với Thường trực HĐND tỉnh, đã tổ chức 1 phiên giải trình với 4 nội dung, gồm: Hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã dịch vụ điện; công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh; việc bố trí dân cư theo hình thức tái định cư tập trung thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện các Đề án, Chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, đã tổ chức 1 phiên chất vấn về công tác cải cách hành chính và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 13-7-2018 của HĐND tỉnh về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh.
Ngoài ra,Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh. Tổ chức giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Đối với các ban HĐND tỉnh, đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 6 cuộc khảo sát, giám sát theo các lĩnh vực thuộc thẩm quyền, như: Kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2018; tình hình tổ chức và hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng; công tác thi hành án dân sự; việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn…
Để chuẩn bị nội dung phiên giải trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh thực hiện khảo sát tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và tổ chức khảo sát về các nội dung dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, ngoài các nội dung mà đồng chí vừa nêu thì một trong những nội dung khác được cử tri đặc biệt quan tâm đó là việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng chí có thể thông tin khái quát kết quả nội dung này?
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm: Tại kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 và các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 8-12-2018 của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh đã tổng hợp và chuyển đến UBND tỉnh 144 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Trong đó, Kỳ họp thứ 8 là 73 ý kiến, kiến nghị và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND là 71 ý kiến, kiến nghị. Nội dung tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, cán bộ cơ sở; đầu tư, nâng cao chất lượng điện; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên và môi trường; giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, giao thông; việc nâng cấp, trùng tu các di tích lịch sử; nâng cấp hệ thống hồ, đập, kênh mương và một số nội dung khác.
Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền. Theo đó, có 19 ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được giải quyết xong, dứt điểm; 31 ý kiến, kiến nghị đã được giải trình, thông tin; 94 ý kiến, kiến nghị đang trong quá trình giải quyết (chiếm tỷ lệ 65,2%). Các nội dung giải quyết đã phần nào tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội, được cử tri trong tỉnh đồng tình và đánh giá cao.
PV: Như đồng chí vừa thông tin, thì công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh vẫn còn có những hạn chế, tồn tại mà cụ thể là vẫn còn một tỷ lệ lớn các ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết xong. Vậy, đâu là nguyên nhân, biện pháp để khắc phục thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm: Đúng vậy, công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Cụ thể là việc chỉ đạo giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm; một số kiến nghị, UBND tỉnh chưa xác định rõ lộ trình, phương hướng giải quyết cụ thể; nhiều nội dung đã được kiến nghị tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh nhưng việc giải quyết rất chậm. Bên cạnh nguyên nhân nhiều kiến nghị liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn của tỉnh còn hạn chế khiến thời gian giải quyết kéo dài thì không thể không nhắc đến công tác tham mưu văn bản phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và việc xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm. Có việc UBND tỉnh chưa quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra; người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương chưa làm hết trách nhiệm.
Trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục giám sát thường xuyên để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tích cực chỉ đạo việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; tăng cường tổ chức các phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp đối với những vấn đề được cử tri và xã hội quan tâm; chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ , lãnh đạo, HĐND, UBND cấp huyện trong việc tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị gửi đến các kỳ họp của HĐND tỉnh đảm bảo đầy đủ, chính xác, rõ nội dung và đúng thẩm quyền giải quyết.
Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đang phát sinh nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri, tránh tồn đọng, kéo dài. Đối với nhóm kiến nghị liên quan đến nguồn lực đầu tư lớn, trong giai đoạn 2016-2020 chưa cân đối được nguồn lực, đề nghị UBND tỉnh xác định lộ trình, thứ tự ưu tiên, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công hằng năm, kế hoạch đầu tư trung hạn trong giai đoạn tiếp theo để báo cáo HĐND tỉnh; tiếp tục có văn bản hoặc làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành trung ương để giải quyết dứt điểm những kiến nghị của cử tri đã phản ánh nhiều lần.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!