Chồng, con bị nhiễm chất độc da cam, cơ thể không lành lặn, trí não phát triển không bình thường, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vậy nhưng, suốt bao năm qua, những người vợ người mẹ vẫn lặng thầm chăm sóc. Câu chuyện về hai phụ nữ mà chúng tôi đề cập trong bài viết này là những minh chứng sống động nhất cho sự thầm lặng ấy, họ đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
Gia đình đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà bà Trương Thị Lưu, ở xóm Đồng Hoan, xã Khôi Kỳ (Đại Từ). Chồng bà là cựu chiến binh, Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Nguyễn Văn Đức, nhập ngũ năm 1972, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đến năm 1984, ông xuất ngũ trở về địa phương. Hai ông bà kết duyên vợ chồng và sinh được 3 người con. Con gái đầu sinh năm 1985, ông bà đặt tên là Nguyễn Thị Chiến, 3 năm sau sinh thêm người con thứ Nguyễn Thị Hoàn. Những năm đầu đời, các em khỏe mạnh và phát triển bình thường. Vậy nhưng những biểu hiện bất thường bắt đầu xuất hiện khi chúng đến tuổi đi học. Chiến bị teo chân tay, đi lại khó khăn rồi không thể tự di chuyển, nay thân hình quắt queo chỉ còn da bọc xương. Hoàn khi nhận thức được thì hay mặc cảm và mỗi khi đêm về lại hay hoang tưởng. Hai vợ chồng bà Lưu dồn hy vọng vào đứa con út là Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1991. Từ nhỏ đến năm học cuối cấp của bậc THCS, Hùng vẫn tự đến trường, học hành không thua kém chúng bạn. Thế nhưng… Các khớp xương của em dần co cứng lại, chân em không thể đạp xe đến trường được nữa, trí não, giọng nói mất dần.
Năm 1997, ông Đức lại mắc bạo bệnh qua đời. Bao vất vả, gian khó một mình bà Lưu gánh. Hằng ngày, bà Lưu lo chạy ngược chạy xuôi với đám ruộng, mảnh vườn vừa lo cho 3 người con từ miếng cơm, manh áo đến sinh hoạt cá nhân nên không dám rời khỏi nhà lâu. Bà năm nay đã 64 tuổi, hằng ngày vẫn phải gắng gượng chăm lo những đứa con tật nguyền. Bà bảo: Tôi nay đã già yếu, dù bản thân có bệnh huyết áp và tiền sử bệnh tim nhưng “không dám ốm” bởi nếu ốm thì ai lo cho ba đứa con. Suốt bao năm qua, mọi vất vả tôi đều chịu được chỉ lo khi tôi không còn sức khỏe chẳng biết các con tôi sẽ ra sao?
Chị Đỗ Thị Kim Dung, cán bộ chính sách xã Khôi Kỳ nói: Cả xã hiện có 66 NNCĐDC, trên 250 đối tượng chính sách nhưng gia đình chị Lưu là đặc biệt nhất. Cảnh một mình mẹ già chăm sóc 3 đứa con tật nguyền bao năm qua thật đáng thương và cảm phục.
Rời Khôi Kỳ, chúng tôi đến gia đình bà Nguyễn Thị Sơn, ở xóm Tiên Hội, xã Tiên Hội (Đại Từ) khi mặt trời đã đứng sào cũng là lúc bà đang đút từng thìa cháo cho chồng. Trên giường là một người đàn ông có khuôn mặt hốc hác, cơ thể gần như bị gập đôi từ lưng, chân tay cứng như khúc gỗ không thể cử động. Vậy nhưng, khi biết có khách là đồng đội, cán bộ Hội NNCĐDC tỉnh, huyện, xã đến thăm, ông không nuốt được mà nước mắt cứ rơi mặc dù không nói được lời nào. Ông là cựu chiến binh, bệnh binh, NNCĐDC Lương Văn Khánh. Ông sinh năm 1952, nhập ngũ tháng 12-1971 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Đến tháng 8-1972 ông bị thương trong một trận ném bom của địch. Sau khi điều trị, do không đủ sức khỏe tiếp tục chiến đấu nên năm 1974, ông được xuất ngũ.
Từ ngày về làm vợ ông Khánh, những tưởng bà Sơn sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc nào ngờ ngày tháng vui vẻ ngắn chẳng tày gang. Trong những năm đầu của cuộc sống vợ chồng, ông Khánh chưa có những biểu hiện bất thường. Nhưng từ năm 1986, ông bắt đầu có dấu hiệu co rút tay chân, xương khớp co cứng, di chuyển khăn rồi không thể co duỗi. Thân hình cao to ngày nào bắt đầu teo tóp lại, lưng còng xuống, mặt sát đầu gối. Hơn 20 năm nay, ông nằm liệt một chỗ, việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc một tay bà Sơn. Hai ông bà có với nhau 3 mặt con nhưng 1 đứa đã sớm bỏ ra đi khi còn nhỏ. Hai người con gái đã lấy chồng, ở riêng, cuộc sống khó khăn nên chẳng giúp đỡ được bố mẹ.
Bà Sơn kể: Đêm nào tôi phải thức dậy 5, 6 lần để phục vụ chồng. Mặc dù ông ấy được hưởng tiền trợ cấp nhưng thường xuyên phải đi bệnh viện và mua thuốc uống, thuốc xoa bóp để điều trị. Mỗi lần đi nằm viện rất tốn kém chưa kể mỗi tháng phải mua hơn 2 triệu đồng tiền thuốc. Tôi thì chỉ trông vào mảnh ruộng, vạt chè, sức khỏe ngày càng yếu nên cuộc sống rất chật vật.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn dai dẳng. Nỗi đau ấy không chỉ hiện hữu trên cơ thể người bị ảnh hưởng mà còn âm thầm trong lòng những người vợ, người mẹ khi ngày đêm phải chứng kiến, chăm sóc cho chồng, con là nạn nhân của chất độc ấy. Bà Lưu, bà Sơn chỉ là 2 trong số hàng vạn người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh, của chất độc màu da cam. Họ và gia đình luôn cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội để làm vơi dịu đi nỗi đau, vất vả thường ngày.