Chiều 8-8, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Phú Bình về tình hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phòng chống Dịch tả lợn châu Phi và phòng chống thiên tai. Cùng tham gia có đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan (ảnh).
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Bình, trong vụ mùa, toàn huyện đã gieo cấy được 7.200ha lúa, 600ha ngô, 410ha rau. Hiện, diện tích các cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt, chưa có dịch bệnh xảy ra. Về tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi, tính đến ngày 5-8, toàn huyện đã tiêu huỷ 21.558 con lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi với tổng trọng lượng 1.253.856kg; tổng kinh phí phòng chống dịch tả lợn là trên 43 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện giải ngân, chi trả 7,6 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng và công tác chống dịch.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 17,63 tiêu chí/xã; có 14/19 xã đã đạt chuẩn NTM. Trong năm nay, huyện phấn đấu thêm 3 xã về đích NTM gồm: Tân Hoà, Tân Kim, Nga My. Hiện nay các địa phương này đều đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, văn hoá, môi trường và an toàn thực phẩm. Huyện phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ về đích nốt 2 xã còn lại; đưa xã Tân Đức và xóm Phẩm 2, xã Dương Thành đạt xã, xóm NTM kiểu mẫu.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo huyện Phú Bình đã nêu một số đề xuất: Tỉnh tiếp tục cấp kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi; hỗ trợ kinh phí trong triển khai mô hình sản xuất rau công nghệ cao và cánh đồng mẫu lớn; hỗ trợ phát triển các hợp tác xã chăn nuôi, triển khai dây chuyền giết mổ tự động và kho đông lạnh trên địa bàn... Về hạ tầng nông thôn, đề nghị được tỉnh hỗ trợ thêm xi măng, kinh phí…
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Lượng nhấn mạnh: Tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc của huyện Phú Bình trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Hiện, Phú Bình là địa phương có số lợn bị chết thấp nhất trong tỉnh. Thời gian tới, huyện cần tiếp tục tăng cường, làm tốt công tác này để duy trì ổn định ngành chăn nuôi; cần có phương án trong chuyển đổi giống vật nuôi, đảm bảo cân bằng, tránh tình trạng giải cứu vật nuôi.Với mục tiêu huyện đề ra, trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh trong năm 2020, Huyện cần đề ra rõ lộ trình, phần việc cụ thể cho các xã, tỉnh sẽ cấp bổ sung thêm xi măng cho địa phương... Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện cần chú trọng phát triển các hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phát huy những thế mạnh của địa phương về đất đai, cây trồng, vật nuôi chủ lực. Đối với những đề xuất khác của địa phương, tỉnh giao cho các sở ngành liên quan nghiên cứu để tham mưu, hỗ trợ huyện.