Với sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, trọng tâm là đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm chỉ rõ bản chất, phương thức hoạt động tôn giáo trái pháp luật, các trường thành viên Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã nâng cao nhận thức, giúp các SV nhận diện, không nghe, không tin, không theo các tổ chức tự xưng mạo danh tôn giáo để hoạt động trái pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban Công tác học sinh - sinh viên (HSSV) ĐHTN thông tin: Ban Công tác HSSV đã sử dụng triệt để mạng xã hội thông qua các trang Facebook, Zalo của cá nhân, lãnh đạo quản lý HSSV các trường, kết nối với Vụ Công tác HSSV (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phòng PA88, PA83 (Công an tỉnh) để nhận thông tin tuyên truyền đến các thầy, cô giáo, HSSV. Nếu như trước đây có tình trạng SV vi phạm, một số trường còn lúng túng trong biện pháp xử lý, chậm báo cáo thì nay không còn. Từ ĐHTN đến các trường thành viên đều thành lập các nhóm kín trên Zalo, FaceBook thường xuyên cập nhập thông tin, chuyển tải đến các thành viên, hạn chế gửi văn bản hành chính hóa. Bên cạnh đó, các nhà trường phát huy vài trò của đội ngũ giáo viên, cố vấn học tập, các SV hạt nhân để xây dựng cơ chế sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động. Vì thế, chỉ cần có người lạ đến tuyên truyền, vận động, các vụ việc liên quan đến SV đều được thông tin kịp thời với các bộ phận chức năng để giải quyết ngay. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn ĐHTN chưa phát hiện mới trường hợp SV nào tham gia các tổ chức tự xưng.
Thực tế tại các đơn vị thành viên của ĐHTN, chúng tôi nhận thấy tổ chức Đoàn, hội SV, phòng công tác HSSV đã vào cuộc rất tích cực, đẩy mạnh tuyên truyền để các SV nhận thức rõ hoạt động của các tổ chức tự xưng ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Công tác HSSV, Chủ tịch Hội SV, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp chia sẻ: Muốn nắm được thông tin sát thực nhất từ SV, bản thân mỗi cán bộ Đoàn, Hội phải gần gũi, thân thiết với các em như anh em trong nhà. Khi đã có đủ niềm tin, các em sẽ là những cánh tay nối dài để chúng tôi nắm bắt được thông tin liên quan đến việc SV tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, từ đó tổ chức Hội tìm hiểu rõ bản chất, có cách thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Trường có khoảng trên 6.000 SV chính quy, trong đó ½ ở bên ngoài. 3 năm trước, một số SV bị lôi kéo tham gia vào Hội thánh Đức chúa trời, pháp luân công. Có những SV đã bỏ học đi làm để có tiền nộp hằng tháng cho các nhóm đối tượng cầm đầu. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội SV đã tìm hiểu rõ bản chất, nguồn gốc, cách thức hoạt động của các tổ chức tự xưng, phối hợp với các chủ nhà trọ, tổ dân phố, lực lượng công an nắm bắt thông tin, phối hợp hành động. Hội SV đã thành lập nhóm nghiên cứu dư luận xã hội gồm các giáo viên, cán bộ đoàn, hội SV, SV thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin để kịp thời đề ra hướng tuyên truyền, vận động, ngăn chặn được nhiều vụ việc.
Thông qua các hình thức tuyên truyền nêu trên, SV đã nhận diện đầy đủ về hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Theo SV Lường Thị Hồng Ngọc, lớp K53, Khoa Quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp: Đã có một số bạn do thiếu hiểu biết đi theo các hội này bỏ học hành, có những nhà đập cả bàn thờ, trái thuần phong mỹ tục, đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc… Bản thân em cũng như các bạn SV đã nắm rõ bản chất hoạt động, không tin, không nghe, không theo các tổ chức này.
Để SV nắm rõ bản chất của các tổ chức tự xưng mạo danh tôn giáo, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã khai thác các tài liệu do Công an tỉnh và ĐHTN cung cấp, biên soạn để tuyên truyền sâu rộng đến SV thông qua hoạt động học tập chính trị từ khi các SV nhập học, cũng như lồng ghép với các hoạt động khác. Trong 2 năm (2017, 2018), thông qua việc nắm bắt, Nhà trường phát hiện 6 SV tham gia Hội thánh Đức chúa trời. Bằng các hình thức gặp gỡ, trực tiếp trao đổi, tuyên truyền, giúp các em SV nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo, sáng suốt, kiên định với mục tiêu học tập đã lựa chọn, kiên quyết không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào hoạt động của tổ chức trái phép này. Đồng thời tích cực tham gia tố giác các hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Nhờ vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, qua nắm bắt, theo dõi, Nhà trường chưa phát hiện trường hợp nào tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ SV tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật... Đó là chia sẻ của đồng chí Phạm Minh Hoàng, Phó Trưởng Phòng Công tác HSSV, Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh.
Đồng chí Lê Viết Chung, Phó Trưởng Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, dân tộc và tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: 6 tháng đầu năm nay, Ban Dân vận, Tỉnh đoàn đã phối hợp với ĐHTN, các trường tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, vận động 6.710 đoàn viên, thanh niên, SV của 13 trường đại học, cao đẳng ký cam kết không tham gia vào các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, tham gia các tổ chức tự xưng, mạo danh tôn giáo. Các SV tham dự các buổi tuyên truyền được cung cấp phiếu khảo sát nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo và Bản cam kết không tham gia vào các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, tổ chức tự xưng, mạo danh tôn giáo. Thông qua các hình thức tuyên truyền, nếu như năm 2017, toàn tỉnh có 44 SV tham gia Hội thánh Đức chúa trời thì đến thời điểm tháng 1-2019, có 20 SV bỏ không tham gia. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay của các trường là SV học theo tín chỉ, không còn mô hình lớp học truyền thống, đa phần SV ở ngoại trú khó khăn trong công tác quản lý. Thời gian tới đề nghị các nhà trường chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với chính quyền sở tại, các chủ nhà trọ để nắm bắt thông tin, tăng cường quản lý HSSV.
Hiện nay, các nhà trường đang làm công tác tuyển sinh. Một trong các nội dung mà ĐHTN yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện là ngay trong đợt sinh hoạt chính trị đầu năm học mới phải đưa nội dung tuyên truyền về hoạt động tôn giáo trái pháp luật, để SV nhận diện, nắm rõ bản chất của các tổ chức tự xưng, nâng cao nhận thức, ký cam kết không tham gia.