Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, HTX

15:40, 07/08/2019

Đó là một trong những vấn đề được đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13-NQ/TW), được Tỉnh ủy tổ chức sáng 7-8. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX); các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành, thị.

Theo đánh giá, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về KTTT, HTX đã có những chuyển biến rõ nét; vai trò của KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn được nâng lên. Nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy KTTT phát triển được ban hành, hoàn thiện và phát huy hiệu quả; bộ máy quản lý Nhà nước đối với KTTT, HTX được làm rõ. Nhiều tổ hợp tác (THT), HTX được thành lập, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh… Về một số kết quả cụ thể: Từ năm 2010, tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với số vốn ban đầu là 5 tỷ đồng, đến hết năm 2018 tổng nguồn Quỹ cấp tỉnh đạt gần 33 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho 70 dự án. Trong phát triển các THT, HTX, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 469 HTX (tăng 186 HTX so với năm 2003) với tổng số thành viên là 41.500 người, doanh thu bình quân đạt 9 tỷ đồng/HTX/năm (tăng 10 lần so với năm 2003), lợi nhuận bình quân đạt 370 triệu đồng/HTX/năm (tăng 5 lần); có 7.260 THT với trên 160.000 thành viên và người lao động, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, vay vốn tín dụng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp…

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn tới, tỉnh ta xác định mục tiêu tổng quát là: Thường xuyên củng cố và phát triển các loại hình KTTT, HTX; từng bước khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng hoạt động của các THT, HTX; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển khu vực KTTT, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 10.000 THT, 1.000 HTX, 30 liên hiệp HTX (trong đó có khoảng 600 HTX nông nghiệp, 20 liên hiệp HTX nông nghiệp, 400 HTX thương mại, 10 liên hiệp HTX thương mại, khoảng 50 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm hàng hóa). Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời nêu rõ một số hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW tại từng địa phương, đơn vị thời gian qua; kiến nghị về nhiều vấn đề nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT trong những năm tới.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Tỏ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tỉnh ta đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Đồng chí nhấn mạnh, để phát huy những kết quả đạt được, sớm khắc phục một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, như: Tiếp tục thống nhất cao về nhận thức đối với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của KTTT, nòng cốt là kinh tế HTX trong nền kinh tế quốc dân; phát triển các mô hình HTX cần xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với quy luật khách quan, hướng về cơ sở, nhất là ở những địa phương vùng sâu, xa, vùng có nhiều khó khăn, nhưng tuyệt đối không gò ép thành lập khi không có đủ điều kiện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT, HTX, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về KTTT, HTX, gắn liền với công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KTTT; quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện tốt Đề án phát triển KTTT của tỉnh giai đoạn 2017-2020. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình KTTT, HTX; khuyến khích các hình thức hợp tác sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị, có quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ…

Trong dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 7 cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 7 tập thể, 10 cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/03/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham luận về những kinh nghiệm, kết quả đạt được cũng như đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung nhằm tiếp tục phát huy vai trò của KTTT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến.

 Vai trò của phụ nữ trong phát triển KTTT

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Xác định vai trò quan trọng của KTTT, những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có sự đổi mới trong định hướng chỉ đạo, vận dụng linh hoạt các giải pháp hỗ trợ, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển KTTT. Nhờ đó, 15 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã hỗ trợ thành lập 433 mô hình phát triển kinh tế, 10 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Các mô hình phát triển kinh tế và HTX do Hội hỗ trợ thành lập đều phát triển và hoạt động hiệu quả, duy trì việc làm cho 100% hội viên phụ nữ tham gia với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Việc thành lập và phát triển các mô hình KTTT do Hội Phụ nữ đảm nhận đã góp phần nâng cao đời sống của hội viên, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

 Chú trọng thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Võ Nhai: Với đặc thù là huyện vùng cao có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, những năm qua, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực cho phát triển KTTT và kinh tế HTX trên địa bàn, như: Chính sách hỗ trợ đất đai; phát triển nguồn nhân lực; tài chính - tín dụng; khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường... Nhờ đó, trung bình mỗi năm, huyện có từ 3-5 HTX thành lập mới. Hiện nay, toàn huyện có 20 tổ hợp tác và 54 HTX đang hoạt động với trên 500 thành viên. Từ việc hình thành và phát triển các mô hình KTTT mà trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã xuất hiện những vùng chuyên canh nông nghiệp có quy mô sản xuất tập trung, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; trình độ canh tác đã có sự phát triển nhanh; cơ cấu cây trồng dịch chuyển đúng định hướng góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển... 

Phát triển HTX gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn

Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên): Ngay từ khi mới thành lập (năm 2000), HTX chè Tân Hương đã xác định hướng đi cho mình là tập trung xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, có truy nguyên nguồn gốc, có chất lượng tốt, ổn định. Để làm được điều đó, chúng  tôi tổ chức thành các nhóm nhỏ từ 5-6 hộ gia đình. Mỗi nhóm có một trưởng nhóm chịu trách nhiệm việc kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất và chế biến của các hộ gia đình và thường xuyên báo cáo tình hình với Hội đồng Quản trị HTX. Bên cạnh đó, hằng năm, HTX đều tổ chức các khóa tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho các thành viên HTX về sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm chè theo tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm (UTZ). Do làm tốt công tác quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến bảo quản nên hiện nay sản phẩm chè xanh của HTX đang là sản phẩm chè duy nhất tại Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế UTZ. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 75 tấn chè khô, đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng…

Huy động vốn trong nhân dân để thúc đẩy kinh tế hộ thành viên

Ông Tạ Trung Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên): Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh là một mô hình KTTT với đối tượng phục vụ chính là các hộ gia đình thành viên, cùng với đó là các hộ sản xuất kinh doanh và cá nhân có nhu cầu tại địa phương. Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ, các cá nhân, hộ gia đình đã có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm ổn định tại chỗ và nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động của địa phương. Đến nay, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động (từ năm 2008), Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh đã có tổng số vốn đạt trên 110 tỷ đồng với số thành viên tham gia Quỹ đạt trên 1.700 hộ gia đình. Thông qua hoạt động của Quỹ không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế hộ thành viên phát triển mà còn đóng góp tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương; đồng thời, giúp hạn chế đáng kể tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn…

Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của KTTT

Bà Vũ Thị Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Có thể nói các Đề án Phát triển KTTT của tỉnh từ năm 2002 đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, song nhìn chung khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, để tiếp tục phát huy vai trò của KTTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT. Đặc biệt, cần gắn phát triển KTTT với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư hỗ trợ về: Vốn, đào tạo nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực, khoa học công nghệ... nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các HTX, tổ hợp tác tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để khu vực KTTT phát triển bình đẳng như các thành phần kinh tế khác...