Báo cáo tại phiên họp thường kỳ thứ 32 của UBND tỉnh tổ chức mới đây cho thấy, sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2018, đã có 62 dự án (DA) đang triển khai đầu tư. Điều đáng nói là 40% số DA trên đã hoàn thành thủ tục đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 15.600 tỷ đồng, trong đó một số DA đang thi công xây dựng, một số khác đã đi vào sản xuất.
Không ít người cho rằng, việc đăng ký đầu tư DA của doanh nghiệp thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư thường hình thức, tỷ lệ DA thành công thấp, nhiều DA chậm hoặc không triển khai. Tuy nhiên, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh vừa qua đã để lại dấu ấn tích cực khi có tới 44 nhà đầu tư (NĐT) đăng ký thực hiện các DA (vốn gần 116.000 tỷ đồng) ở một số lĩnh vực quan trọng gồm: Công nghiệp; nông nghiệp; siêu thị, thương mại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; văn hóa, thể thao; hạ tầng đô thị, giao thông; y tế, giáo dục; công nghệ thông tin và xử lý rác thải. Và thực tế đến thời điểm này, tỷ lệ DA đăng ký đầu tư đã và đang triển khai đạt khá cao. Đã có 25/62 DA hoàn thành các thủ tục đầu tư như: Quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu. Các DA này chủ yếu đang giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục về môi trường, đất đai, cấp phép xây dựng. Số còn lại, một phần đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, triển khai tích cực theo kế hoạch, một phần nhỏ chậm triển khai.
Từ hiệu ứng tích cực sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh mà nhiều doanh nghiệp uy tín đã chọn Thái Nguyên làm điểm đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư mới cho 50 DA với tổng vốn đăng ký trên 5.600 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý có sự hiện diện của một số nhà đầu tư tên tuổi như: Công ty CP Toàn cầu TMS đề xuất đầu tư DA sân golf và Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (T.P Sông Công); Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An đề nghị khảo sát, nghiên cứu DA đầu tư Tổ hợp dịch vụ du lịch - sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp hồ Núi Cốc; Công ty CP Flamingo Holding Group đề xuất thực hiện DA Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc; Tập đoàn Vingroup đề xuất triển khai các DA khu đô thị trên địa bàn T.P Thái Nguyên; Công ty CP Tập đoàn Bizman đề xuất đầu tư các cụm công nghiệp và khu đô thị...
Kết quả trên không chỉ thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành trong tỉnh mà còn cho thấy sự quyết tâm của không ít NĐT khi lựa chọn Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương ngày càng rõ rệt, cùng với đó là những vướng mắc trong thực thi chính sách mới và khó khăn nội tại của NĐT sẽ tạo ra những rào cản nhất định trong quá trình thực hiện các DA đã đăng ký. Để NĐT yên tâm thực hiện các DA rất cần sự hỗ trợ đặc biệt của các cấp chính quyền địa phương. Tùy từng nhóm DA với tiến độ triển khai cụ thể mà thể hiện mức độ quan tâm, tạo điều kiện cũng như những cam kết bắt buộc đối với NĐT. Cụ thể, với các dự án có tiến độ tích cực, các ngành chuyên môn của tỉnh tiếp tục hướng dẫn NĐT thực hiện theo đúng các quy trình, quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản; khuyến khích, động viên NĐT tập trung nguồn lực hoàn thành DA trước thời hạn. Với các DA đang triển khai theo kế hoạch, sẽ tích cực theo dõi, làm việc trực tiếp với NĐT để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, từ đó có phương án giải quyết theo thẩm quyền trên tinh thần nhanh nhất có thể. Còn với các DA chậm hoặc không triển khai, sẽ làm rõ nguyên nhân, yêu cầu NĐT xây dựng kế hoạch, lộ trình và cam kết về tiến độ triển khai, nếu để quá chậm hoặc không triển khai sẽ xem xét thu hồi giấy phép đầu tư. Mặt khác, kêu gọi các NĐT mới có đủ năng lực tài chính vào nghiên cứu triển khai DA thay thế. Tỉnh cũng chủ trương giao các địa phương thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, thực hiện cam kết với NĐT về tiến độ, thời gian bàn giao đất sạch cho các DA. Đối với khu vực có nhiều NĐT cùng đề xuất lập DA thì xem xét ưu tiên NĐT uy tín, có tiềm lực và khả năng hoàn thiện DA nhanh nhất..