Ngày 9-9, Ban Văn hoá - Xã hội (HĐND tỉnh) đã thực hiện khảo sát công tác quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao và di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn huyện Phú Lương giai đoạn 2016-2018. Đoàn khảo sát do bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội làm Trưởng đoàn (ảnh).
Hiện trên địa bàn huyện có 14/15 xã có nhà văn hoá đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới; 252/252 xóm, liên xóm có nhà văn hoá, trong đó 120 xóm có nhà văn hoá, sân chơi thể thao; 130 xóm có nhà văn hoá đạt chuẩn quy mô từ 80 chỗ ngồi trở lên; 108 nhà văn hoá xóm có công trình phụ trợ; 100% nhà văn hoá có tủ sách pháp luật và tương đối đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nhân dân hội họp; thành lập mới và duy trì hoạt động hơn 50 câu lạc bộ thể thao và 32 câu lạc bộ văn nghệ…
Về di tích lịch sử văn hoá: Hiện trên địa bàn có 4 di tích cấp Quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh, 5 di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia và gần 100 di tích, điểm di tích chưa được xếp hạng. Hầu hết các di tích, di sản được quan tâm tôn tạo, phục dựng và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, huyện có đề xuất một số nội dung với Đoàn khảo sát, như: Tăng mức kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hoá theo chuẩn nông thôn mới; có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp cho ban quản lý di tích hoạt động; tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao nhiệm vụ chuyên môn cho đội ngũ công chức văn hoá cơ sở. Đoàn khảo sát đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của huyện; đồng thời có ý kiến vào chương trình mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội của tỉnh gắn với phát triển kinh tế vùng Việt Bắc trong những năm tiếp theo.
Trong ngày, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Di tích lịch sử địa điểm xưởng Quân giới Giang Tiên; nhà văn hoá phố Giang Bình (thị trấn Giang Tiên), đền Đuổm, nhà văn hoá xóm Đuổm (Động Đạt).