Những ngày gần đây, một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi (gọi tắt là ASF). Đó là tín hiệu đáng mừng đối với ngành chăn nuôi lợn của tỉnh, nhưng không phải vì thế mà các cấp chính quyền và người chăn nuôi được lơ là, chủ quan. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã công bố hết dịch nhưng ngay sau đó lại tái phát dịch.
Mới đây nhất, tại huyện Phú Bình, 14 xã có bệnh dịch ASF đã chính thức công bố hết dịch theo quy định. Trong vòng 7 tháng xuất hiện trên địa bàn, dịch ASF đã lan ra 19/20 xã, thị trấn của Phú Bình khiến trên 15% tổng đàn lợn của huyện bị mắc dịch phải tiêu hủy, gây thiệt hại lớn cho bà con chăn nuôi. Tương tự, mới đây T.P Sông Công cũng đã công bố hết dịch trên địa bàn phường Cải Đan và xã Vinh Sơn, đồng thời bãi bỏ các vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm đối với bệnh dịch ASF tại các xã, phường còn lại. Dù không phải là trọng điểm chăn nuôi lợn của tỉnh, nhưng từ khi xuất hiện dịch ASF đến nay, Sông Công cũng phải tiêu hủy trên 6.800 con lợn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Theo báo cáo mới nhất của cơ quan Thú y tỉnh, tình hình dịch ASF hiện nay đang suy giảm mạnh. Tính đến hết ngày 26-9, toàn tỉnh có 52/174 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành, thị đã qua 30 ngày không có lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy do dịch ASF, trong đó có 16 xã, phường đã công bố hết dịch. Như vậy, chắc chắn trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh công bố hết dịch bệnh ASF. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi phải hết sức đề phòng, không được chủ quan trước dịch bệnh. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay, trong cả nước chưa có tỉnh, thành nào công bố hết dịch, một số địa phương phát dịch muộn còn diễn biến khá phức tạp. Trong khi đó, dù các địa phương công bố hết dịch, nhưng do đây là dịch bệnh không có vắc xin tiêm phòng nên mầm bệnh vẫn tồn tại, sẵn sàng tái phát bất cứ lúc nào. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 7 xã, phường tái phát dịch sau khi đã công bố hết dịch. Do đó, các điều kiện để loại hoàn toàn dịch ASF ra khỏi đàn lợn và bên ngoài môi trường hiện nay là chưa đủ.
Cũng theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dù dịch bệnh ASF hiện nay đã thuyên giảm đáng kể, nhưng số lợn chưa mắc bệnh dịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn, chiếm tới 80% tổng đàn, nên cần cẩn trọng, chủ động có các phương án phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất. Tăng cường chăn nuôi theo biện pháp an toàn sinh học; tiếp tục phát động các đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, khu vực công cộng nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, đặc biệt tại các địa phương đã và đang có dịch, các cơ sở chăn nuôi tập trung… Về việc phát triển đàn lợn, tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi trong vùng dịch không tái đàn ở thời điểm này. Với các trang trại chăn nuôi lớn chưa bị dịch bệnh xâm nhập mà có khả năng tự nhân giống thì tiến hành chăn nuôi bình thường, nhưng phải làm tốt công tác phòng, chống dịch. Để đảm bảo sản xuất lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT chủ động hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện để người chăn nuôi tái đàn trên cơ sở các quy định của cơ quan chuyên môn Trung ương. Mặt khác, để người chăn nuôi ổn định sản xuất, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn, tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo phòng, chống, khoanh vùng ổ dịch, tránh để dịch lan rộng hoặc tái phát trở lại; định hướng cho người dân tạm thời chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác như gà, vịt, trâu, bò, dê…
Là một trong những địa phương có tỉ lệ lợn mắc bệnh dịch ASF thấp nhất khu vực do có các biện pháp phòng, chống tích cực, hiệu quả, Thái Nguyên được cơ quan thú y Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Tuy vậy, với mục tiêu an toàn dịch bệnh là trên hết, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để sớm hoàn thành việc dập dịch, bảo vệ thành công đàn lợn khỏe mạnh còn lại, tiến tới khôi phục ngành chăn nuôi lợn của tỉnh.