Là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong trận mưa, lũ ngày 9 và 10-9 gây ra, thời điểm này, nông dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên đang khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, những hộ dân bị thiệt hại nặng đang gặp khó khăn về giống, vốn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Có mặt tại những cánh đồng của phường Túc Duyên sau hơn một tuần xảy ra mưa ngập, chúng tôi thấy các ruộng rau, hoa thân cây lấm lem bùn đất, rụng lá trơ trụi. Đang dọn dẹp vườn trên cánh đồng Túc Tiến, chị Cao Thị Hương chia sẻ: “Gia đình tôi đầu tư hơn 10 triệu đồng mua giống rau gieo gồm các loại: Su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua… chỉ vài hôm nữa là được bán thì nước tràn vào ruộng làm hỏng hết hoa màu. Ngoài diện tích rau giống (gần 2 sào) bị hỏng, nhà tôi còn trồng gần 5 sào cải bắp, cây đang vào khuôn nõn thì nước ngập sâu cũng hỏng hết. Chúng tôi chỉ trông chờ vào mấy sào rau, giờ thì trắng tay”.
Ở cánh đồng liền kề thuộc tổ dân phố 21, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thiết với vẻ mặt thẫn thờ, anh bảo: Gia đình tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư trồng 2 mẫu hoa các loại (tương đương 7.200m2) để đón bán dịp Tết Nguyên đán, nhưng giờ chết gần hết. Toàn bộ hoa lay ơn, hướng dương, đồng tiền bị thối dễ. Hiện gia đình tôi chưa biết khắc phục bằng cách nào, chắc phải đợi nắng ráo, thuê người cải tạo lại đất mới trồng được vụ mới.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, phường Túc Duyên có gần 50ha lúa, hoa và cây màu của các hộ dân bị ngập và hư hại. Trong đó, Hợp tác xã Đại Đồng bị thiệt hại 4,43ha lúa và 9,13ha hoa và rau màu; Hợp tác xã Tiến Ninh có 11,1ha lúa, 24ha hoa và rau màu. ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND phường Túc Duyên cho biết: Hầu như mùa mưa lũ năm nào cánh đồng Túc Duyên cũng bị ngập vài lần, nhưng chưa bao giờ lại bị thiệt hại nặng như trận ngập vừa rồi. Sau khi nước rút, chúng tôi đã chỉ đạo bà con khôi phục lại hệ thống thủy lợi, dọn dẹp, xóa bỏ diện tích hoa, rau màu bị thiệt hại và làm đất tiếp tục xuống giống rau, hoa vụ mới. Phường cũng đã có công văn đề nghị UBND Thành phố và các phòng, ban liên quan kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ cho bà con khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên, trong đợt mưa, lũ vừa qua, toàn địa bàn Thành phố có khoảng 61ha hoa, rau màu bị thiệt hại; trên 403ha lúa bị ảnh hưởng. Về chăn nuôi, tại xã Phúc Hà và Cao Ngạn nước tràn vào trại gà làm chết khoảng 3.000 con gà, sét đánh chết 2 con lợn tại xã Sơn Cẩm; 12,3ha ao, hồ tại 2 xã Sơn Cẩm và Quyết Thắng bị ngập, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Khánh Trình, xóm 6, xã Phúc Hà, chia sẻ: Do trời mưa quá to và nước lên nhanh khiến trang trại gà của gia đình tôi ngập gần 1m, làm 1.000 con gà bị chết, ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Tôi muốn tái đàn nhưng gia đình không còn khả năng. Mong các cấp, ngành tạo điều kiện, hỗ trợ gia đình tôi phần nào về vốn để khắc phục tổn thất, khôi phục lại việc chăn nuôi.
Được biết, sau khi nước rút, cán bộ chuyên môn của Thành phố đã phối hợp với cán bộ nông nghiệp các xã đến những hộ dân bị thiệt hại về chăn nuôi để hướng dẫn xử lý, dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo các xã, phường bị ảnh hưởng tu bổ lại các công trình thủy lợi bị hư hỏng, thu gom rác thải, cây trồng đã bị chết trên đồng ruộng, làm đất lại để trồng rau, màu vụ đông. Tuy nhiên, để giúp các hộ thiệt hại nặng có điều kiện khôi phục sản xuất sớm, T.P Thái Nguyên cũng cần khẩn trương rà soát và có cơ chế hỗ trợ kịp thời để các hộ sớm khôi phục đồng ruộng, sửa sang chuồng trại, bắt tay vào đợt trồng trọt, chăn nuôi mới.