Cần hài hòa lợi ích các bên

06:05, 13/10/2019

Theo kế hoạch, tại kỳ họp tháng 10-2019, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Luật Lao động năm 2012 sửa đổi. Vấn đề giảm giờ làm việc trong tuần là một trong nhiều nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Luật đang được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là đại diện người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ).  

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam đang có thời giờ làm việc hằng tuần thuộc nhóm cao nhất thế giới. Cụ thể, khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của ILO, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên). Về thời gian nghỉ phép, Việt Nam lại nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới, với 12 ngày nghỉ phép mỗi năm.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vấn đề giảm giờ làm từ 48 xuống 44 giờ/tuần đang tạo sự tranh luận “nóng” giữa đại diện NLĐ và người sử dụng lao động. Việc giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp (DN). Đồng thời việc giảm giờ làm cũng là để duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian để NLĐ chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.

Sau 20 năm, quy định thời gian làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện đối với công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Quy định này đã tạo ra khoảng cách, sự phân biệt giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và NLĐ khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra sự thiếu bình đẳng trong lực lượng lao động. Đây cũng là cơ sở để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) đề nghị xem xét giảm thời gian làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết tại kỳ họp lần này.

Đối với NLĐ, giờ làm việc là thời gian tối đa NLĐ có thể làm việc và cân bằng giữa công việc với đời sống cá nhân và gia đình. Với DN, đây là cơ sở để kế hoạch hoá việc tuyển dụng và sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh. Giờ làm việc còn là một trong những căn cứ để 2 bên thoả thuận tiền lương, phúc lợi. Nhà nước cũng căn cứ vào đó để phát triển nhân lực, phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội. Hiện tại, đa số các DN chưa đồng tình với việc giảm giờ làm trong tuần với nhiều lý lẽ. Ví dụ như: Tiêu chuẩn về thời gian làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam, như: Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào đều là 48 giờ/tuần; nếu giảm giờ làm trong tuần, nhiều DN lo ngại sẽ giảm sức cạnh tranh và có nguy cơ phá sản...

Phân tích về điểm "được" và "mất", các chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực lao động và việc làm cho biết: Nếu giảm từ 48 xuống 44 giờ/tuần, sức khoẻ NLĐ sẽ được nâng cao; tiền lương của NLĐ sẽ tăng lên do làm thêm giờ. Tuy nhiên, việc giảm giờ làm cũng sẽ tỷ lệ nghịch với năng suất lao động và sức cạnh tranh của DN, tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng GDP và thu ngân sách cũng như các mục tiêu xã hội. Trong khi đó, năng suất lao động của nước ta đang thấp trong khu vực.

Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi ở từng giai đoạn, ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có quy định khác nhau. Tuy nhiên, có điểm chung là xã hội càng phát triển, các quy định càng tiến bộ hơn so với trước. Giảm giờ làm thêm, tăng giờ nghỉ ngơi là xu hướng tiến bộ của loài người. Do vậy, cùng với xu thế tiến bộ của thế giới, việc xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của NLĐ từ 48 giờ  xuống 44 giờ trong một tuần vào thời điểm Bộ luật Lao động đang được tiến hành sửa đổi hiện nay là cần thiết và có cơ sở. TLĐLĐ VN cho rằng, việc giảm giờ làm nhằm bảo đảm tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của DN, duy trì sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động, có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của NLÐ.

Việc giảm thời giờ làm việc sẽ tạo động lực, cơ hội để DN ứng dụng công nghệ, thích nghi với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Giảm giờ làm được thiết kế khoa học, hợp lý sẽ bảo đảm hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập cho NLÐ, đồng thời tạo điều kiện để họ có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững.