Tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng Đa Phúc, xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) diễn ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, một số bến, bãi tập kết, trung chuyển hàng hóa vẫn ngang nhiên hoạt động dù chưa được cấp phép.
Hiện nay, hoạt động tại các bến, bãi ở khu vực Cảng Đa Phúc khá lộn xộn. Có bến ngang nhiên tập kết cát, sỏi tới tận chân cầu Đa Phúc, lại có bến bốc xếp hàng hóa gây ô nhiễm không khí cả một góc Cảng. Không những thế, lượng xe tải trọng lớn vào ra Cảng nườm nượp mỗi ngày đã cày nát cả một đoạn đê sông Công. Do vướng hành lang an toàn đê, cầu và đường thủy, nên cơ quan chức năng không thể cấp phép hoạt động bến, bãi ở một số vị trí, nhưng thực tế không ít bến, bãi không phép vẫn được “mọc” ra. Theo báo cáo của cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa - Chi nhánh Thái Nguyên, Cảng Đa Phúc hiện có gần 20 bến, bãi bốc xếp, trung chuyển hàng hóa thì có khoảng 1/4 bến, bãi hoạt động không phép và trái phép.
Tại đây, tình trạng mất an ninh trật tự cũng diễn ra khá phức tạp. Không ít lần do tranh chấp, phá vỡ hợp đồng giữa chủ bến và đơn vị thuê bến, giữa chủ bến và khách hàng đã xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Tại một số bến, bãi cũng xảy ra trường hợp cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ bến với nhau, gây mất đoàn kết, làm phức tạp tình hình địa phương.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng kết quả không như mong muốn. Năm nào tỉnh cũng thành lập đội kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa, Trung tâm Đăng kiểm, Phòng Quản lý vận tải và chính quyền sở tại tiến hành kiểm tra, xử phạt, yêu cầu đình chỉ hoạt động, nhưng các bến không phép vẫn ngang nhiên tồn tại. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã không ít lần ra quân cao điểm xử lý vi phạm an toàn đường thủy nội địa, nhưng chủ yếu xử lý các lỗi vi phạm trong lưu thông, ít xử lý vi phạm bến, bãi. Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa cũng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng chủ yếu xử lý các lỗi chở hàng quá tải, thiếu bằng, chứng chỉ chuyên môn, không có giấy phép vào, ra của phương tiện vận tải đường thủy... Chính quyền địa phương cho rằng, các bến, bãi vi phạm chủ yếu nằm ngay trên đất ở của người dân, hằng ngày sinh hoạt tại bến nên khó cho công tác kiểm soát, xử lý dứt điểm. Ngay sau khi đoàn kiểm tra rời khỏi, các bến, bãi vi phạm lại… hoạt động bình thường.
Bởi thế, việc xử lý của cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm hoạt động bến, bãi tại Cảng Đa Phúc mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Việc giải quyết tồn tại cũng như quản lý tận gốc vấn đề, đòi hỏi chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, xử lý và ngăn cản các chủ phương tiện vận tải đường thủy cho tàu đỗ và trả hàng tại các bến không phép, trái phép. Chính quyền cấp xã cần nâng cao trách nhiệm quản lý, tránh để tái diễn hoạt động đối với các trường hợp đã bị đình chỉ vĩnh viễn. Tương tự, với những trường hợp làm mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường… cũng cần phải xử lý thật nghiêm.
Dịch vụ cảng đường thủy nội địa rất quan trọng và tiện lợi trong lưu thông hàng hóa, nhất là khi đường bộ đang quá tải, chi phí cước vận tải cao. Tuy nhiên, không phải vì thế mà loại hình dịch vụ này bị buông lỏng quản lý. Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh về thực trạng này, nhưng trật tự tại khu vực Cảng Đa Phúc vẫn chưa được lập lại. Do đó, rất cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, sớm đưa hoạt động bến, bãi tại Cảng Đa Phúc vào nền nếp.