Tuyến đường giao thông nông thôn loại A dài 2,1km (nền đường rộng 6m, mặt đường đổ bê-tông dày 20cm, rộng 3,5m) có tổng mức vốn đầu tư gần 13 tỷ đồng từ ngân sách nối xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) với xã Vạn Thọ (Đại Từ) có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tuyến đường này đã thi công ở cao trình 48,75m của hồ Núi Cốc (thấp hơn mặt đập chính). Do vậy, người dân địa phương cho rằng nguy cơ sẽ bị ngập nếu nước hồ Núi Cốc lên cao...
Công trình này được UBND tỉnh giao Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu thi công là Doanh nghiệp Duy Tùng có trụ sở tại huyện Định Hóa. ông Nguyễn Văn Đông, ở xóm 11, xã Phúc Tân cho biết: Nước hồ Núi Cốc tương đối ổn định nhưng cũng có đợt mưa lũ nước dâng cao, vì vậy đơn vị thi công giữ đúng cốt đường như hiện nay nguy cơ đường sẽ bị ngập sâu tới 30-50cm.
Khi đến thực địa, chúng tôi thấy công trình thi công tạo nền đất được khoảng 500m và có nhiều vị trí nhà thầu san gạt, đổ đất xuống lòng hồ. Sau khi phát hiện nhà thầu thi công dưới cao trình 50m, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị được cấp có thẩm quyền giao quản lý hồ Núi Cốc) đã có Văn bản số 331/CV-CTKTTL gửi các cơ quan chức năng của tỉnh nêu rõ nhiều đoạn của tuyến đường trên vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ hồ Núi Cốc. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ nội dung thi công tuyến giao thông nông thôn dưới cao trình 50m của hồ Núi Cốc. Trong khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thiết kế lên trên cao trình 50m, nhà thầu vẫn tiếp tục thi công. Vì vậy, ngày 10/7/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản yêu cầu Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tạm dừng các hoạt động thi công xây dựng đoạn đường có cao độ thiết kế dưới cao trình 50m trong phạm vi bảo vệ lòng hồ Núi Cốc, chấm dứt tình trạng đổ đất xuống lòng hồ không đúng quy định. Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng để xảy ra lỗi này là do chủ đầu tư đề nghị Sở Giao thông - Vận tải thẩm định công trình nên không nắm rõ cao trình hồ Núi Cốc được phép xây dựng công trình theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 và Quy chế quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của UBND tỉnh.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của tỉnh khi phúc đáp công văn của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi cũng đều khẳng định các đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế, thẩm tra tuyến đường đến các đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt dự án tuyến đường nêu trên đều chưa căn cứ các quy định hiện hành, không tham vấn ý kiến đơn vị quản lý hồ Núi Cốc nên dẫn đến những vi phạm hành lang bảo vệ hồ.
Việc khắc phục nhiều đoạn của tuyến đường vi phạm hành lang bảo vệ hồ Núi Cốc hiện đang rất khó khăn vì phải nâng mặt đường lên trên cao trình 50m phải làm lại toàn bộ quy trình đầu tư, thiết kế nên chắc chắn tiến độ xây dựng tuyến đường bị ảnh hưởng. Do đó, buộc chủ đầu tư phải xây dựng lại phương án để trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung nguồn kinh phí phát sinh. Điều này đồng nghĩa thời gian thi công kéo dài trên nửa năm và chi phí Dự án tăng thêm khoảng 5 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại là lượng đất đá phải đổ xuống lòng hồ nhiều hơn để tạo ta-luy đảm bảo an toàn công trình. ông Trịnh Văn Sơn, Trưởng Phòng Quản lý công trình và An toàn giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Khi chúng tôi thẩm định công trình này đã dựa trên cơ sở các tuyến đường đã thi công tại các khu vực ven hồ Núi Cốc như đường kết nối đường tỉnh 261 với đền Gàn, tuyến đường liên xóm của xã Phúc Tân. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 và các văn bản của UBND tỉnh thì việc phải điều chỉnh phương án thi công lên trên cao trình 50m của hồ Núi Cốc buộc phải thực hiện. Nhưng nếu điều chỉnh lên trên cao trình 50m, lượng vật liệu tạo nên sẽ tăng khối lượng rất lớn vì phải tạo nền đường, ta-luy an toàn về phía hồ Núi Cốc. Việc điều chỉnh thi công lên trên cao trình 50m cũng sẽ phát sinh các điểm cần xây dựng kè chống sạt lở nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng, tuổi thọ công trình…
Do năng lực của chủ đầu tư đã dẫn đến sơ suất nêu trên khiến phát sinh nhiều hệ lụy, gây thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín của cơ quan chức năng; người dân địa phương thì bức xúc vì hiến đất để mong sớm có công trình giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giờ đường cũ bị lấp bỏ, đường mới ngổn ngang đất đá, lầy lội không biết đến bao giờ mới xong. Công trình gây ra nhiều sự phiền toái này cũng là bài học cho các đơn vị, địa phương của tỉnh trong quản lý, giám sát các dự án sử dụng vốn ngân sách.