Tiếp tục chương trình khảo sát công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) và hoàn thiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, ngày 18-10, Đoàn công tác của HĐND tỉnh do đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã khảo sát tại Sở Công thương và Sở Y tế.
Đối với ngành Công thương, trong thời gian từ năm 2017 đến nay, toàn ngành đã bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và liên ngành về ATTP triển khai đến cơ sở. Đặc biệt công tác tuyên truyền và thanh kiểm tra đã góp phần thay đổi nhận thức cũng như các hành vi mất ATTP trong xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, đó là: Công tác quản lý ATTP hiện nay vẫn bộc lộ sự chồng chéo, không rõ được trách nhiệm của cơ quan, cấp, ngành, trong khi đối tượng chịu thiệt hại vẫn là người tiêu dùng. Đặc biệt, sau khi phân cấp quản lý đến các địa phương, các công cụ và chế tài để xử lý, kiểm tra vừa thiếu, vừa yếu. Hệ thống các chợ chủ yếu là nông thôn và kinh doanh nhỏ lẻ, khó kiểm soát và khó áp vào các tiêu chuẩn quốc gia về ATTP. Bên cạnh đó, các Ban Quản lý chợ và chính quyền địa phương sở tại chưa phát huy hết vai trò quản lý, giám sát cũng như hướng dẫn. Từ thực tế đó, ngành Công thương kiến nghị cần thiết thành lập một cơ quan chuyên trách, hoặc một đầu mối về ATPT để thực hiện các chức năng quản lý, giám sát, hướng dẫn và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Tại Sở Y tế, Sau khi nghe các báo cáo về thực trạng y tế cơ sở và công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, Đoàn công tác đã đưa ra một số vấn đề mà cử tri quan tâm, trong đó có vấn đề về cơ chế, chính sách mà ngành Y tế cần tham mưu với UBND tỉnh để thực hiện tốt 2 lĩnh vực: Chất lượng y tế cơ sở theo chuẩn quốc gia và ATTP. Thực tế hiện nay, cả hai lĩnh vực đều đang thiếu về nhân lực từ tỉnh đến cấp xã, trong khi cơ chế chính sách thu hút nhân lực lại chưa phù hợp; các quy định pháp luật về ATTP cấp huyện, xã chưa được thực hiện đồng bộ, do phần lớn là kinh doanh nhỏ lẻ. Đối với các bếp ăn tập thể và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều được các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ theo Luật, vì vậy nhiều năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể…
*Cùng ngày, tổ công tác số 1 HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để khảo sát về công tác đào tạo nghề giai đoạn 2017-2019.
Theo kết quả đánh giá, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tích cực, góp phần nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 65,18% (năm 2018). Toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng với quy mô đào tạo trên 77.000 người/năm. Từ năm 2017-2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo được gần 44.000 lao động , tỷ lệ học viên có việc làm sau học nghề đạt trên 80%. Tuy nhiên, do số lượng trường lớn nên việc tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn; danh mục nghề nghiệp có một số nghề đã lạc hậu; trang thiết bị dạy học, trình độ giáo viên dạy nghề ở một số đơn vị còn hạn chế…
Qua trao đổi, thảo luận với Sở, Tổ công tác quan tâm đến các vấn đề: công tác khảo sát và đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội; tiến độ sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân luồng học sinh sau THCS và THPT; định hướng đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp; đào tạo nghề cho đối tượng đặc thù (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…).