Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên (4-10). Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc. Báo Thái Nguyên điện tử lược ghi và trân trọng đăng tải bài phát biểu.
Thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các bạn bè Quốc tế.
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ,
Thưa các vị đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2020 của tỉnh Thái Nguyên. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí, đồng bào lời chúc sức khỏe, lời chào mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu!
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Đảng xuyên suốt các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, vì vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một chủ trương rất đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân.
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau khi chọn 11 xã trong toàn quốc triển khai thí điểm trong năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010, số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và 2015-2020, được triển khai sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương. Sau 10 năm, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua xây dựng NTM. Chương trình đã thực sự trở thành một cuộc vận động cách mạng, một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia và đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Diện mạo nông thôn thay đổi sâu sắc, ngày càng khang trang hơn, xanh, sạch, đẹp hơn, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội nông thôn ngày được hoàn thiện, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Đến tháng 9/2019, cả nước đã có 4.554 xã (chiếm 51,16% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới; có 93 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, tỉnh trực thuộc Trung ương (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã, tỉnh của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cả nước đã có 3 tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương) và T.P Đà Nẵng là những địa phương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (riêng Đồng Nai và Nam Định đã có 100% đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020). Như vậy chúng ta đã hoàn thành mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 sớm gần 02 năm. Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao (đến năm 2020 có gần 50% số xã đạt chuẩn NTM). Với những kết quả vượt bậc đó, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 đã quyết định tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình ngay trong năm 2019 để dành thời gian cả năm 2020 tập trung vào xây dựng khung chính sách, cơ chế và định hướng chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 và hướng tới 2030. Dự kiến tại Nghị quyết ngày 18,19/10.
Kính thưa toàn thể quý vị!
Thái Nguyên là địa phương có bề dày lịch sử phát triển, có nhiều dân tộc cùng sinh sống giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là Thủ đô kháng chiến, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi đặt đại bản doanh và xây dựng vùng an toàn khu (ATK), có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương là sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước với diện tích chè toàn tỉnh đạt trên 22.000 ha, đứng thứ nhất trong cả nước, sản lượng chè búp tươi trên 230.000 tấn/năm. Thái Nguyên cũng là cái nôi của công nghiệp (gang thép, dự án của Samsung). Trong thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, quan tâm chỉ đạo đồng bộ, xây dựng tỉnh đạt được nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là những thành tích trong quá trình xây dựng NTM.
Nhìn lại thời kỳ bước vào xây dựng nông thôn mới Thái Nguyên nền tảng còn rất thấp, thấp hơn bình quân chung cả nước, các chỉ số kể cả về kinh tế - xã hội cơ bản đều thấp hơn, số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 4,85 tiêu chí/xã, có đến gần 45% số xã đạt dưới 5 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 10,94 triệu đồng (cả nước 12 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước (20,57% - cả nước 17,4%); 82% số xã của tỉnh (114/139 xã) thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn,…
Trong giai đoạn 2011-2015, Thái Nguyên đã có sự chủ động, sáng tạo, tìm ra nhiều phương pháp, cách làm hiệu quả, thiết thực như: hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ kinh phí cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; giao nhiệm vụ, kêu gọi các đơn vị đỡ đầu, tài trợ trong xây dựng nông thôn mới…; Giai đoạn 2016-2020, bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của các Bộ, ngành, Thái Nguyên đã chú trọng hơn đến các tiêu chí cốt lõi về sản xuất, sinh kế, đời sống, có tác động trực tiếp đến cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân (phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị quy mô lớn theo hướng an toàn; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,triển khai Chương trình OCOP…), đồng thời, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đã nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chí về “Xóm nông thôn mới kiểu mẫu” (gồm 09 tiêu chí, 32 chỉ tiêu) và “Hộ gia đình nông thôn mới” (4 nhóm tiêu chí và 18 chỉ tiêu) xác định hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới là đơn vị cấp xóm, hộ gia đình với hầu hết các tiêu chí đều hướng đến người dân và người dân đều tự thực hiện được.
Chủ trương xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp sớm được tỉnh quan tâm, quyết liệt triển khai thực hiện và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực; năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt trên 5,01%/năm; chuyển dịch sản xuất theo hướng quy hoạch và hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung với các cây trồng chủ lực của tỉnh: Vùng Chè đặc sản Tân Cương - thành phố Thái Nguyên, Trại Cài - huyện Đồng Hỷ, La Bằng - huyện Đại Từ; vùng cây ăn quả Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân - thị xã Phổ Yên; vùng lúa đặc sản Nếp Thầu Dầu Phú Bình, nếp Vải Phú Lương, gạo Bao Thai Định Hóa... Sau hơn 01 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Thái Nguyên hiện có 172 sản phẩm đặc sản địa phương, mang đặc trưng vùng miền, có lợi thế so sánh, có tính độc đáo. Năm 2019 đã đánh giá và cấp Giấy chứng nhận 25 sản phẩm đạt 3-4 sao; một số huyện đã bước đầu quan tâm chỉ đạo, hình thành các mô hình NTM gắn với du lịch sinh thái.
Công tác đổi mới và phát triển các tổ chức sản xuất được quan tâm, đến nay trên địa bàn tỉnh có: 283 HTX nông nghiệp; 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp; 384 tổ hợp tác; 208 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; một số doanh nghiệp, HTX đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...; 238 làng nghề, 798 trang trại. Công tác xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư được chú trọng, đặc biệt với việc Tập đoàn Samsung đầu tư xây dựng nhà máy đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho số lượng lớn người lao động, góp phần tăng nguồn thu hàng năm của địa phương và thu nhập ổn định cho người dân. Tỷ 1ệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 6,39% (giảm 14,18% so với năm 2010); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm đạt trên 38,63 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,5 lần so năm 2010 (10,94 triệu đồng/người/năm); cao hơn 38% so với bình quân khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc...
+ Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được chú trọng, giai đoạn 2011 - 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 80 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (nâng tổng số công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh lên 239 công trình); 68 nghĩa trang; 207 điểm thu gom rác thải; 55 công trình vệ sinh tại các trường học; trên 30.000 công trình vệ sinh hộ gia đình. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91,8%, sử dụng nước sạch đạt 67,8%;
+ Đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện; tỷ lệ thu hút nhân dân đến tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các buổi sinh hoạt cộng đồng khác đạt trên 60%, điển hình như: Thành phố Thái Nguyên (90%), thị xã Phổ Yên (87%), huyện Đồng Hỷ (80%)...
+ Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực nông thôn có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, trong đó có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần làm giảm tội phạm ở cơ sở. Kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự đã góp phần thúc đẩy xây dựng NTM ngày càng bền vững.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 88/139 xã (bao gồm cả 4 xã đã lên phường và thị trấn) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60,43%; bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã; có 02 đơn vị cấp huyện là thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Hội đồng thẩm định Trung ương đã hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận cho Thị xã Phổ Yên. Như vậy, tỉnh Thái Nguyên không chỉ hoàn thành vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao mà còn là địa phương có thành tích cao nhất trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Theo tôi những thành quả Thái Nguyên đạt được trong báo cáo các đồng chí đã nêu là do Thái Nguyên đã biết khơi dậy, phát huy được nội lực của mọi tầng lớp nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền, nhất là người đứng đầu có tâm, có trách nhiệm, trí tuệ, các cơ quan tham mưu giúp việc tâm huyết, trách nhiệm. Thái Nguyên luôn có những cách làm sáng tạo, nhiều mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả.
Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua và có đóng góp quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Tuy nhiên, Thái Nguyên cũng còn có một số tồn tại nhất định trong xây dựng nông thôn mới, khi nông thôn phát triển chưa đồng đều, trình độ phát triển giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch, một số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh có số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, liên kết chuỗi chưa nhiều, chưa có sự lan tỏa lớn, sản xuất chưa gắn với chế biến; lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao...
Xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng chặng đường xây dựng nông thôn mới phía trước còn nhiều khó khăn thách thức.
Báo cáo của các đồng chí đã nêu rõ quan điểm, định hướng, giải pháp sát với định hướng của Trung ương. Để tiếp tục góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2030, thời gian tới tôi đề nghị các đồng chí cần phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu, đẹp, văn minh, tôi thống nhất với báo cáo và nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tôi đề nghị tỉnh và các bộ cơ quan liên quan nghiên cứu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo: Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vừa phải phát triển nhanh và bền vững, duy trì tiêu chí các xã đã đạt được, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
- Quán triệt quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân là chủ thể”; học tập, vận dụng sáng tạo mô hình, cách làm của các địa phương khác, nhân rộng các điển hình tiên tiến; phát huy cao những thành quả đạt được, những bài học kinh nghiệm quý, đồng thời sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, luôn cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới, đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp, phục vụ sự phát triển nông thôn Thái Nguyên;
- Rà soát quy hoạch, sáp nhập đơn vị hành chính, chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác), xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường; bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn, hóa thời đại; phát huy lợi thế phát triển của các khu kinh tế trọng điểm để hỗ trợ phát triển cho vùng nông thôn. Xây dựng nông thôn mới bền vững, gắn với quá trình đô thị hóa, kết nối thành thị - nông thôn; phố trong làng; vùng quê thanh bình, trù phú, đáng sống. Tạo điều kiện và động lực cho người dân nâng cao hơn nữa vị thế của mình, thực sự là chủ thể và hưởng lợi các thành tựu đạt được;
- Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, cả hệ thống chính trị và cuộc, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối NTM các cấp, bộ máy giúp việc phải chuyên trách, chuyên nghiệp; ưu tiên nguồn lực cho nông thôn mới "phát triển công nghiệp để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn”;
- Nhanh chóng phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, thế mạnh của địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, không những phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới.
- Đề nghị tỉnh ưu tiên quan tâm bố trí nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ATK, căn cứ cách mạng;
- Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh nêu trong báo cáo:
+ Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan phối hợp nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn trong giai đoạn mới theo hướng: Nhóm tiêu chí cứng nhằm đánh giá mặt bằng chung; nhóm tiêu chí mềm phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền; bổ sung các tiểu tiêu chí đánh giá về chất lượng cuộc sống, chỉ số hài lòng, chỉ số hạnh phúc của cư dân nông thôn; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các tiêu chí về chợ, trung tâm văn hóa, quy hoạch... Nghiên cứu hỗ trợ Thái Nguyên thực hiện một số mô hình điểm trong xây dựng NTM. Như: mô hình “Xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa", mô hình “Bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM”; mô hình “Du lịch cộng đồng”,...
Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, xây dựng nông thôn phát triển, kết nối với đô thị, có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại; kinh tế, văn hóa xã hội phát triển, môi trường được bảo vệ và cải thiện; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước.
Cuối cùng, chúc các đồng chí, các quý vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân Thái Nguyên sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Trân trọng cảm ơn./.
------------------------------------------
*Đầu đề do Tòa soạn đặt.