Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp

16:57, 11/10/2019

Trong bức thư gửi giới Công Thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Với tinh thần đó, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có sự quan tâm, hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) phát triển thịnh vượng. Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về vai trò và những đóng góp của DN, doanh nhân trên địa bàn thời gian qua. 

P.V: Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã thu được nhiều thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò cũng như sự đóng góp của đội ngũ các DN, doanh nhân trong thời gian qua?

Đ/c Vũ Hồng Bắc: Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có bước phát triển đột phá, đặc biệt là kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm (2016-2018) đạt 13,15%, liên tục cao hơn bình quân cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Thu hút đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục… thu được nhiều kết quả tích cực. Riêng 9 tháng năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn ước đạt 542 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 20,7 tỷ USD, tăng 11,3% so với 9 tháng năm 2018. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.251 tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng ước đạt 29,7 nghìn tỷ đồng... Theo dự báo, năm 2019 tỉnh sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Những kết quả đáng khích lệ đó có được từ sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là sự đóng góp rất lớn của đội ngũ DN, doanh nhân. Trong vài năm gần đây, số lượng DN trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 15 - 20%. Đến nay, toàn tỉnh có gần 7.000 DN, cùng hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể. Quy mô sản xuất tăng nhanh, nguồn vốn bình quân DN đạt trên 100 tỷ đồng, gấp 7 lần so với năm 2010, ngày càng nhiều DN có quy mô doanh thu hàng nghìn tỷ đồng (đặc biệt có DN nội địa đạt doanh thu gần 20.000 tỷ, DN FDI đạt doanh thu gần 600 nghìn tỷ đồng).

Tỉnh đánh giá cao những DN, doanh nhân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn đi đầu trong thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh, thực hiện chính sách với người lao động, quản lý sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm quốc phòng - an ninh; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua lớn của tỉnh, như: Cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo… Điều đó thể hiện văn hóa kinh doanh đã thực sự được coi trọng và phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển của các DN trên địa bàn tỉnh.

P.V: DN có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế, tỉnh có những nỗ lực như thế nào để đồng hành với DN, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn?

Đ/c Vũ Hồng Bắc: Xác định sự phát triển của DN chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN vượt qua khó khăn, yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Với mục tiêu kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển mạnh mẽ DN đến năm 2020, trong năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Tại Hội nghị này, tỉnh đã có thông điệp rõ ràng về môi trường đầu tư thuận lợi, về hành động đồng hành cùng DN, doanh nhân. Thông điệp đó đã được cộng đồng DN, doanh nhân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, Thái Nguyên đã đón nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có uy tín, kinh nghiệm, có năng lực tài chính tốt, có công nghệ và trình độ quản lý hiện đại đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và ký thỏa thuận hợp tác đầu tư tại tỉnh. Kết quả, sau thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư hiện đã có 44 nhà đầu tư đang triển khai 62 dự án với tổng vốn thực hiện 115.907 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm, góp phần giúp DN trên địa bàn tỉnh kết nối với các DN lớn trong và ngoài nước. Sự nỗ lực phục vụ DN của chính quyền được cộng đồng DN ghi nhận, chấm điểm, đưa Thái Nguyên xếp vị trí 18/63 tỉnh, thành của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Thái Nguyên cũng là 1 trong 2 tỉnh có số DN và số hộ kinh doanh tốt nhất của 14 tỉnh miền núi phía Bắc, là tỉnh dẫn đầu trong các tỉnh có mức đầu tư nước ngoài cao và là tỉnh được công ty hàng đầu trên thế giới như Samsung lựa chọn.

Các cấp chính quyền nêu cao phương châm hành động, nói đi đôi với làm, đồng hành thực hiện giải quyết các vướng mắc giúp các DN, nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án. Thái Nguyên đã tăng cường tổ chức đối thoại với cộng đồng DN, doanh nhân, người lao động để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, giúp các DN mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Riêng trong 9 tháng qua, đã có 4 sở, ngành của tỉnh tổ chức đối thoại với cộng đồng DN để giải quyết, tháo gỡ khó khăn…

P.V: Để cộng đồng DN hội nhập thành công, theo đồng chí đội ngũ DN, doanh nhân của tỉnh cần làm gì trong thời gian tới?

Đ/c Vũ Hồng Bắc: Trong thời gian tới, cùng với cả nước, tỉnh có nhiều thời cơ, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Quá trình toàn cầu hóa tạo cơ hội tiếp cận các nguồn lực bên ngoài, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong tỉnh, mở rộng và phát triển thị trường... Song nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế ngày càng cao, sự cạnh tranh chắc chắn sẽ càng gay gắt… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, làm thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu đến phát triển sản xuất, logistics, đến dịch vụ khách hàng, tăng năng suất lao động, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; nhưng cũng mang đến nhiều thách thức như: Áp lực phải cải tiến và đổi mới dây truyền công nghệ; lao động chi phí thấp mất dần lợi thế; khoảng cách công nghệ và tri thức với thế giới có thể bị nới rộng hơn…

Trong bối cảnh đó, để có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Thái Nguyên sớm trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, bên cạnh quyết tâm, cố gắng của hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, thì sự đồng hành, tham gia của các DN, doanh nhân có vai trò rất quan trọng.

Tôi đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính đối với DN, doanh nhân. Thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức với DN, doanh nhân nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi đối với mọi loại hình DN…

Tôi mong muốn và đề nghị các DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, phát huy truyền thống của doanh nhân, tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới quản lý, quản trị DN; cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng kinh tế tri thức, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và nâng cao chất lượng thương hiệu, giá trị sản phẩm; gìn giữ và tăng cường văn hóa, đạo đức, “chữ tín” trong kinh doanh; tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong tỉnh, trong nước, khu vực và thế giới; thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về nộp ngân sách, chính sách với người lao động; quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, tích cực góp sức vì cộng đồng, an sinh xã hội...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!