Xây dựng nông thôn mới có vị trí mang tầm chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển KT-XH bền vững của tỉnh*

15:41, 04/10/2019

Sáng 4-10, tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2010-2020. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Thái Nguyên điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Kính thưa: Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia;

Kính thưa đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam;

Kính thưa ngài Tham tán Công sứ Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan;

Thưa các đồng chí đại biểu Trung ương, đại biểu tỉnh; thưa toàn thể các đồng chí về dự Hội nghị hôm nay!

Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 đã ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp theo đó, Chính phủ có Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

Sau 10 năm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, hôm nay tỉnh Thái Nguyên tổ chức tổng kết nội dung này, nhằm đánh giá lại những việc đã làm được, chưa làm được, những việc còn tồn tại và nguyên nhân, để rồi từ đó chủ động, tiếp tục tham mưu đề xuất với Trung ương, Chính phủ và tỉnh trực tiếp bổ sung những chủ trương mới, chính sách mới, với những lối tư duy mới mang tầm chiến lược, với những nội dung kế hoạch được sát thực hơn, điều hành quyết liệt hơn, phong trào NTM được nhân rộng hơn, đi vào chiều sâu, hiệu quả đạt được như mong muốn.

Cũng tại hội nghị này, chúng ta vui mừng được chào đón các đồng chí đại biểu Trung ương, đại biểu tỉnh về dự, đặc biệt là được chào đón đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG về dự và có bài phát biểu chỉ đạo; thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí, xin chúc đồng chí và các đồng chí đại biểu về dự hội nghị sức khỏe, chúc hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Hội nghị đã được nghe lãnh đạo UBND tỉnh Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM 10 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh; các đồng chí cũng đã được trực tiếp nghiên cứu về bản báo cáo tổng kết toàn văn và 34 bản báo cáo tham luận đăng ký gửi về hội nghị, trong đó đã có 10 đại biểu đã được phát biểu tham luận tại hội trường; các đồng chí cũng đã được trực tiếp xem phóng sự về một số thông tin nổi bật trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh nhà, tham quan triển lãm ảnh và các gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, là thành quả của chương trình xây dựng NTM. Qua đây chúng ta cùng suy ngẫm và nhận thấy:

 Một là: Về chủ trương của Trung ương đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đây là chủ trương lớn, có tính chiến lược của Đảng, hợp với lòng dân, có tác động toàn diện và sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

 Hai là: Về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, vai trò trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh được thể hiện rất rõ ngay từ khâu tiếp nhận chủ trương, tích cực quán triệt triển khai, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện một cách bài bản, chi tiết, cụ thể, sát với tình hình, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân.

Ba là: Về kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 10 năm qua cho thấy, các cấp ủy đảng, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã ban hành nhiều văn bản có liên quan đến chủ trương, chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, thanh kiểm tra giám sát; các nội dung văn bản đó đều hợp với ý Đảng, lòng dân, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, thể hiện rất rõ về tính ưu việt, mang khá đậm nét về tính nhân văn sâu sắc, kịp thời, quyết liệt và quyết tâm cao.

Bốn là: Kết quả công tác tuyên truyền, truyền thông, tập huấn cũng khá tốt, thể hiện rõ nét bằng những con số biết nói; với những phương pháp, cách làm khá hay và sáng tạo, đã tạo được sự đồng thuận và chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là về mục đích, ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM trong việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, gắn với việc phát triển KT-XH, đảm bảo QP&AN, nâng cao diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Năm là: Kết quả việc huy động tổng các nguồn vốn phục vụ chương trình xây dựng NTM 10 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh, đã cho thấy tới hơn 21.357 tỷ đồng, trong đó: nguồn kinh phí dành cho đầu tư trực tiếp là 9.184,7 tỷ đồng, chiếm 43% (TW 16,31%; tỉnh 14,15%; cấp huyện 9,53%; cấp xã 2,61%; xã hội hóa, vốn đầu tư nước ngoài và nhân dân tự nguyện đóng góp là 57,40%). Nguồn kinh phí gián tiếp dành cho đầu tư là 12.172,3 tỷ đồng, chiếm 57% (TW 17,47%; tỉnh 24,38%; cấp huyện 4,9%; đầu tư sản xuất khác là 53,25%).

Sáu là: Nét nổi bật về kết quả xây dựng NTM sau 10 năm, đến nay đã cho chúng ta thấy:

(1) Điểm xuất phát, năm 2010, ban đầu mới chỉ có duy nhất 01 xã đạt 12 tiêu chí về NTM; số tiêu chí bình quân trong toàn tỉnh ban đầu là 4,85 tiêu chí/xã, nay đã tăng lên 16,5 tiêu chí/xã (gấp 3,4 lần). Năm 2018 thu nhập của người dân nông thôn đạt 38,63 triệu đồng (tăng 3,53 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nay còn 8,47%, thấp hơn 02 lần so với mức trung bình của 14 tỉnh thuộc khu vực Miền núi phía Bắc.

(2) So với các nội dung yêu cầu đặt ra theo 19 tiêu chí về xây dựng NTM, thì hiện nay tỉnh ta đã có 100% số xã đạt cả về ba tiêu chí (Quy hoạch, Điện và Lao động có việc làm); hơn 97% số xã đạt cả về hai tiêu chí (Giáo dục và Y tế); hơn 94% số xã đạt cả về hai tiêu chí (Văn hóa và Quốc phòng an ninh); gần 93% số xã đạt cả về hai tiêu chí (Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và truyền thông); hơn 88% số xã đạt tiêu chí về Trường học.

(3) Tính đến hết năm 2019 toàn tỉnh có 101/139 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 72,7%, cao hơn gấp 2,3 lần so với mức bình quân của khu vực miền núi phía Bắc); 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (về đích sớm trước 01 năm so với NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra). Toàn tỉnh hiện nay có 12 xóm đạt xóm NTM kiểu mẫu.

(4) Dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh ta sẽ có 109/139 xã đạt chuẩn NTM (78,4%) và có 4/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tăng thêm 01 đơn vị cấp huyện đó là Phú Bình). Thông qua kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của 14 tỉnh khu vực Miền núi phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên vinh dự được Trung ương đánh giá là đơn vị dẫn đầu về NTM toàn khu vực.

(5) Từ những kết quả như đã nêu trên, đã góp phần quan trọng trong các thành tựu chung của tỉnh, trên các lĩnh vực: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, KT-XH, QP-AN và đối ngoại. Qua đây, chúng ta càng khẳng định nội bộ Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tôn giáo, dân tộc  của tỉnh nhà được đoàn kết chặt chẽ hơn; an ninh chính trị luôn được ổn định, vững mạnh mang tính trường tồn; diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc và đổi mới; đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện; TT-ATXH luôn được đảm bảo; các giá trị về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ XHCN ngày càng được nhân lên.

 Kết quả sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020 sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị trong tỉnh xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.

Thay mặt Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương về những nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tích cực tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã đạt được về xây dựng NTM trong 10 năm qua; đồng thời xin được chúc mừng 99 tập thể, 57 cá nhân tiêu biểu được biểu dương và khen thưởng, trao tặng trong ngày hôm nay.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận cả về khách quan và chủ quan cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như trong Báo cáo tổng kết và các báo cáo tham luận của hội nghị đã đề cập tới, song cũng cần phải nhấn mạnh thêm đến những tồn tại, hạn chế về nhận thức, hạn chế về tính trông chờ ỷ lại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành; hạn chế về việc phân cấp, phân quyền, về kiểm tra, đôn đốc và phản biện xã hội; hạn chế trong sơ tổng kết, trong tính nêu gương, trong tính vững bền và trong bệnh thành tích.

Để chủ động và tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua và khắc phục những tồn tại, hạn chế về xây dựng NTM trong thời gian tới, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Báo cáo sau khi đã tiếp thu hoàn chỉnh; đồng thời, quan tâm đến một số nội dung sau đây:

Một là, chúng ta cần phải được tiếp tục coi trọng và không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời tiếp tục khẳng định việc xây dựng NTM có vị trí mang tầm chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển KT-XH bền vững của tỉnh và của các địa phương trong tỉnh. Coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; coi việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về xây dựng NTM là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hàng năm, trong đó đặc biệt coi trọng đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, người cấp phó của người đứng đầu, đồng thời cũng là căn cứ để xem xét, đánh giá năng lực, trách nhiệm của những đồng chí này trong việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm lại, tái cử...

Hai là, các địa phương, đơn vị có liên quan cần sớm tiến hành việc rà soát kỹ, đánh giá sâu về thực trạng kết quả đã và đang triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong phạm vi phụ trách, tìm ra cho được những nguyên nhân của ưu, tồn; đưa ra những nội dung dự báo và những căn cứ để đưa ra những nội dung dự báo đó, kịp thời xây dựng kế hoạch, lộ trình, kèm theo những giải pháp sát thực, khả thi, huy động được sức mạnh chung, với những quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội, kết quả thực sự hy vọng và kỳ vọng. Trong đó thực sự cần phải chú ý đến chất lượng của các tiêu chí đã đạt, tránh bệnh thành tích, kết quả không bền vững; đồng thời cần đặc biệt quan tâm định hướng đối với các xã ATK, xã trong diện đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu nhiều tiêu chí về NTM, nhất là đối với 05 xã đạt dưới 10 tiêu chí ở huyện Định Hóa và huyện Võ Nhai; mặt khác cũng quan tâm nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn về NTM, xây dựng nhiều xã đạt về “NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”.

Ba là, công tác tuyên truyền, truyền thông phải được thường xuyên coi trọng, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, chương trình cần lồng ghép, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, dễ nhớ, dễ hình dung vận dụng. Nội dung về các cuộc vận động cần phải được gắn với các phong trào thi đua yêu nước; tích cực nêu gương người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp để dẹp đi cái xấu, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa ra trong toàn xã hội. Chuyển tải quan điểm nhà nước và nhân dân cùng làm, không trông chờ ỷ lại, trong đó lấy người dân làm chủ thể, nhưng không được huy động quá sức dân, mà phải dựa trên tinh thần tự nguyện, hợp với ý Đảng, lòng dân; khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, thực hiện nếp sống văn hóa mới ở nông thôn.

Bốn là, tiếp tục rà soát, đánh giá lại các cơ chế, chính sách về xây dựng NTM, nhằm phát hiện ra những điểm, những nội dung có vướng mắc, chồng chéo, bất cập hoặc đến nay không còn phù hợp, để kịp thời tham mưu đề xuất việc chỉnh sửa, bổ sung, điều chỉnh hoặc ban hành mới, phù hợp, hiệu quả thiết thực hơn. Tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) cùng với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và cần huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư hợp pháp trong điều kiện tối đa có thể, để dành cho đầu tư phát triển về NTM.

Năm là, ngày 02/10/2019, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đã thông qua Nghị quyết về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tôi đề nghị, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần sớm khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhằm sớm đưa nội dung Nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tạo niềm tin trong nhân dân. Thường xuyên, định kỳ sơ, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, việc làm sáng tạo, hiệu quả và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh từ thực tiễn.

Sáu là, thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM và Văn phòng Điều phối NTM các cấp; đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm nhận công tác xây dựng NTM đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Cùng với quá trình xây dựng NTM, cũng cần phải tập trung sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo nội dung NQTW6, khóa 12; sáp nhập thôn, xóm, xã theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị.

Bẩy là, chú trọng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm, trải nghiệm, công nghệ, khoa học kỹ thuật, vốn (hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính…) để tăng nguồn lực cho xây dựng NTM; chủ động các giải pháp phát triển thị trường trong điều kiện nền kinh tế hội nhập sâu rộng, trong đó ưu tiên các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Phối hợp thực hiện tốt các dự án, các mô hình về xây dựng NTM do các nước đã và đang hỗ trợ, chủ động tiếp cận, làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật mới được chuyển giao và tiến hành đánh giá, nhân ra diện rộng đối với các mô hình hay, hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.

Cuối cùng, xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cám ơn./.

--------------------------------------------

*Đầu đề do Tòa soạn đặt.