Chuyển mình từ xây dựng nông thôn mới

13:56, 12/12/2019

Hơn 7 năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai rộng khắp trên địa bàn T.X Phổ Yên đã giúp cho các xã khó khăn từng bước “thay da đổi thịt”. Từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân và củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Là địa phương có xuất phát điểm thấp, khó khăn, thuộc xã vùng sâu, vùng xa của T.X Phổ Yên, thế nhưng, sau 7 năm nỗ lực phấn đấu, xã Phúc Tân đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2018, “khoác” lên mình diện mạo mới. Giờ đây, tuyến đường từ trung tâm xã đi các ngõ xóm được đổ bê tông phẳng phiu, hai bên đường có nhiều nhà cao tầng được xây mới. Bên cạnh đó, những đồi chè xanh bát ngát cùng các mô hình trồng cây ăn quả được hình thành góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân địa phương. Bên đồi chè rộng 0,5ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Nguyễn Gia Chinh, ở xóm 1 phấn khởi cho biết: Cây chè giờ đây đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Bình quân mỗi năm, cây chè cho thu hoạch 60 tấn búp tươi. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình tôi thu lãi trung bình 120 triệu đồng/năm.

Cũng như anh Chinh, nhiều người dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn có phương án mở rộng và chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chè để cải thiện thu nhập. Theo đó, đến nay, diện tích chè trên địa bàn toàn xã Phúc Tân đạt gần 250ha, trong đó có 20ha chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài cây chè, người dân trong vùng còn trồng rừng sản xuất và từng bước phát triển vùng trồng cây ăn quả như cam, ổi, mít, bưởi… với diện tích 35ha, cho thu nhập bình quân đạt từ 150-170 triệu đồng/ha/năm. Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết: Các mô hình trồng chè, trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao là kết quả từ việc triển khai Chương trình xây dựng NTM tại địa phương. Một phần từ việc thực hiện các mô hình này, thu nhập của người dân trên địa bàn xã năm 2018 đã nâng lên 31,2 triệu đồng/người/ năm. Khi thu nhập được cải thiện, người dân đã có điều kiện quan tâm, đóng góp kinh phí để xây dựng hạ tầng nông thôn góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Còn đối với Thành Công - xã vùng 3 và có trên 40% là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân nơi đây khi bắt đầu xây dựng NTM còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2018, đời sống của người dân và diện mạo địa phương đã có nhiều đổi thay, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Trở lại xóm Bìa, xã Thành Công sau một năm về đích NTM, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân khi được đi trên con đường bê tông, được sinh hoạt trong nhà văn hóa mới khang trang, sạch đẹp. Ông Lê Văn Tám, Trưởng xóm Bìa nhớ lại: Trước đây, người dân của xóm phải sinh hoạt trong nhà văn hóa xuống cấp và chật chội. Dù cảm thấy bất tiện và muốn xây nhà văn hóa mới nhưng do điều kiện kinh phí không đủ nên người dân chưa thực hiện được. Đến năm 2018, khi được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí xây dựng theo Chương trình xây dựng NTM, bà con đã phấn khởi, nỗ lực đối ứng gần 150 triệu đồng, đóng góp hàng trăm ngày công để xây dựng nhà văn hóa. Kể từ đó đến nay, người dân không chỉ có nơi sinh hoạt cộng đồng bảo đảm mà các phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng cũng ngày càng được nâng lên. 

Ông Dương Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thành Công chia sẻ: Chương trình xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng khắp tại địa phương. Riêng năm 2018, toàn xã đã huy động được nhân dân đóng góp trên 26,3 tỷ đồng xây dựng NTM. Cùng với nguồn kinh phí này và các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, trong năm 2018, xã hoàn thành các tiêu chí còn thiếu để đạt chuẩn NTM. Hiện, 26 nhà văn hóa xóm trên địa bàn xã đã đạt chuẩn theo quy định; 100% tuyến đường nông thôn được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn… 

Ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên đánh giá: Năm 2018, ngoài xã Phúc Tân, Thành Công còn có thêm xã Vạn Phái là xã khó khăn của T.X Phổ Yên về đích NTM, từ đó nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của T.X Phổ Yên lên 14/14 xã, đạt 100%. Để có được kết quả này, ngoài sự chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phải kể đến sự nỗ lực của nhân dân các xã. Cùng với đó, mỗi địa phương đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng NTM như: Ưu tiên dành nguồn lực trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí khó; linh hoạt trong huy động sức dân... Tuy nhiên, tiêu chí đạt chuẩn NTM của các xã hiện vẫn còn ở mức thấp, vì thế trong thời gian tới, các địa phương cần phải nỗ lực giữ chuẩn và nâng chuẩn các tiêu chí bằng nhiều giải pháp như sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, chú trọng thực hiện giải pháp về nâng cao, cải thiện thu nhập cho người dân nhằm phát huy hơn nữa nội lực của nhân dân trong xây dựng NTM…