“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong ba phong trào lớn của tổ chức Hội Nông dân, đồng thời cũng là nội dung thi đua quan trọng, xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Hội. Trong những năm qua, phong trào đã thực sự tạo sức lôi cuốn, lan tỏa, cổ vũ mạnh mẽ hội viên, nông dân vươn lên thi đua lao động sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Trước hết cần phải khẳng định, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh luôn xác định phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những hoạt động trọng tâm hàng đầu nên rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh hội đã triển khai đến các cấp hội tổ chức và thực hiện các hoạt động hiệu quả, thiết thực, gắn với quyền lợi hội viên nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên về việc quy định tiêu chuẩn hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã ban hành hướng dẫn cụ thể quy chế thi đua, khen thưởng những tập thể, cá nhân trong thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh.
Để phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi được triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến 100% cơ sở hội, chi hội và hội viên như: Cấp phát báo, tạp chí, bản tin nội bộ, thực hiện phóng sự truyền hình, website... để giới thiệu những mô hình hay, những tấm gương tiêu biểu giúp hội viên học tập và làm theo. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên, chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào phát triển sản xuất cũng như vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hội cũng đã chỉ đạo cấp cơ sở triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất... Căn cứ vào chỉ tiêu giao hàng năm, các cấp hội đăng ký thi đua để tạo động lực phấn đấu hoàn thành. Theo đó, riêng trong giai đoạn 2017-2019, toàn tỉnh có 275.146 lượt hộ nông dân đăng ký danh hiệu thi đua các cấp. Trong đó, cấp tỉnh có 6.038 lượt, cấp huyện 27.584 lượt, cấp xã 241.524 lượt. Qua bình xét, trung bình mỗi năm có hơn 56.000 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Đây là những tấm gương nông dân giỏi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ… vừa làm giàu cho gia đình, vừa góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
Tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, kinh nghiệm sản xuất lâu năm và không ngừng học hỏi kiến thức mới, nhiều hộ dân ở xã Dương Thành (Phú Bình) đã tích cực chuyển đổi sang sản xuất rau, củ, quả an toàn. Trong ảnh: Các thành viên Hợp tác xã Dương Thành trao đổi kinh nghiệm trồng dưa lưới.
Hưởng ứng phong trào, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ mới. Điển hình là công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà tại trang trại chăn nuôi gà, lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Cương ở xã Lương Phú (Phú Bình); công nghệ sao chè bằng gas, hệ thống tôn sao chè công suất lớn của gia đình bà Đào Thanh Hảo ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên)… Nhiều nông dân có những sáng chế, giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất tham gia các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật các cấp và đạt giải thưởng cao, như: ông Bùi Đức Dũng ở thị trấn Đu (Phú Lương) sử dụng que thụ tinh nhân tạo cho lợn nái sinh sản; ông Nguyễn Văn Chất với phương pháp gieo hạt ớt đều và tỷ lệ nảy mầm cao… Phong trào thực sự đã tạo được động lực, thúc đẩy người nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là nguồn lực để người nông dân xây dựng nếp sống văn hóa; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa trong liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Một số hộ nông dân SXKD giỏi đã ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn; phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng, như: Tương nếp Uc Kỳ; nếp Thầu dầu; miến Việt Cường; ổi Linh Nham; chè Tân Cương; La Bằng; gà đồi Phú Bình… Đặc biệt tại xã Tân Đức đã thực hiện dồn điền đổi thửa chuyển đổi thành cánh đồng lúa mẫu lớn, qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn. Phong trào cũng tạo động lực thành lập các loại hình trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao và đang có xu hướng phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 752 trang trại, trong đó có gần 600 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều nông dân SXKD giỏi đã thành lập các doanh nghiệp hoặc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SXKD. Hiện nay, cả tỉnh có 284 HTX nông nghiệp, trong đó có 210 HTX do hội viên, nông dân thành lập; 14 HTX do hội nông dân các cấp trực tiếp đứng ra vận động, hỗ trợ thành lập. Hội nông dân các cấp đã vận động và phối hợp thành lập 166 tổ hợp tác, nhóm/tổ liên kết, chi/tổ hội nghề nghiệp.
Bên cạnh sự tích cực, năng động của hội viên, hội nông dân các cấp cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ và đạt kết quả cao. Một trong những giải pháp quan trọng nhất đó chính là hỗ trợ nông dân về vốn. Hiện nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Tỉnh hội quản lý với trên 35 tỷ đồng đang triển khai cho 76 dự án với hơn 800 hộ vay. Các cấp hội trong tỉnh cũng nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội (tính đến ngày 31/10/2019) với tổng dư nợ là 989,996 tỷ đồng cho 26.793 hộ hội viên vay thông qua 912 tổ tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện thỏa thuận phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay, 16.075 hộ hội viên, nông dân đã được vay tổng số tiền 1.533,125 tỷ đồng thông qua 885 tổ liên kết. Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp với nhiều đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón trả chậm cho hội viên nông dân với lãi suất thấp. Tính từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã cung ứng hơn 95.000 tấn phân bón trả chậm cho nông dân.
Có thể nói, phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi trong những năm qua đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực. Nó trở thành động lực giúp người nông dân vươn lên, là điểm tựa để họ phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến.
Trong thời gian tới, với tinh thần cần cù, sáng tạo của hội viên nông dân, sự nỗ lực cố gắng của các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng phát triển, phấn đấu thi đua lập thành tích chào mừng Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng và đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX.
Tổng kết phong trào giai đoạn 2017-2019, các tập thể, hội viên nông dân trong tỉnh đã được tặng thưởng 01 Huân chương Lao động Hạng Ba, 10 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 100 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và 100 Bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Đây chính là những tấm gương sáng về nỗ lực vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng của người nông dân thời gian qua. |