Hiện nay, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố và người hưởng các khoản hỗ trợ trên địa bàn tỉnh rất lớn, với tổng kinh phí chi trả mỗi năm trên 330 tỷ đồng, song hiệu quả hoạt động còn chưa cao, nhất là các hội, đoàn thể ở xóm, tổ dân phố…
Tính đến thời điểm 31/8/2019, toàn tỉnh có 16.543 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố với tổng mức chi trả phụ cấp, bảo hiểm xã hội, y tế là 258,3 tỷ đồng/năm; người hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 106/2015/NQ HĐND tỉnh và hỗ trợ theo các quy định khác của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các địa phương cấp huyện là 28.397 người. Như vậy, tổng số người hoạt động không chuyên trách và hưởng hỗ trợ đã lên tới 44.940 người với tổng kinh phí chi trả phụ cấp, hỗ trợ, bảo hiểm xã hội, y tế lên tới 330,2 tỷ đồng/năm. Mặc dù tổng mức chi trả phụ cấp cao, hỗ trợ cao nhưng mức phụ cấp, hỗ trợ đối với chức danh ở xóm, tổ dân phố lại thấp. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cử tri thường xuyên kiến nghị nâng mức phụ cấp và hỗ trợ cho các đối tượng trên.
Từ thực tế này, trong Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp quy định thực hiện nghiêm, thống nhất việc khoán phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm, tổ dân phố. Đồng thời quy định UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND tỉnh cùng cấp quy định chức danh, bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách, mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia việc của xóm, tổ dân phố. Yêu cầu đặt ra là phải tinh gọn bộ máy, giảm số người, giảm tổng kinh phí chi trả phụ cấp; tăng cường bố trí kiêm nhiệm các chức danh, sử dụng nguồn kinh phí hợp lý để chi trả phụ cấp cho các đối tượng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Bám sát vào các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ thực hiện lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để lấy ý kiến rộng rãi đối với các đối tượng chịu sự ảnh hưởng trực tiếp. Qua các hội nghị, cũng như tổng hợp ý kiến đóng góp, các tầng lớp nhân dân đều đồng thuận cao với chủ trương trên.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Dương Ngọc Quyến, Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch hội Da cam, Trưởng xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) cho rằng: Việc quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm, tổ dân phố trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính là hoàn toàn phù hợp. Quy định đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã đơn vị hành chính loại I giữ nguyên số lượng tối đa 14 người; loại 2 bố trí tối đa 12 người; loại 3 bố trí tối đa 10 người. Quy định về người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng chỉ áp dụng với các chức danh: Bí thư chi bộ, trưởng xóm hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận. Quy định như trên theo tôi đã đảm bảo bộ máy ở cơ sở được tinh gọn hơn. Đối với những người tham gia công việc của thôn, tổ dân phố (ngoài 3 chức danh nêu trên) không hưởng phụ cấp hàng tháng mà hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc quản lý cộng đồng dân cư, hội, đoàn thể của xóm, tổ dân phố tính theo buổi, tối thiểu là 30 nghìn đồng/người/buổi là phù hợp.
Đồng quan điểm với ông Quyến, ông Nguyễn Huy Đông, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm Đình Thượng cho rằng: Qua nghiên cứu trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, tôi thấy UBND tỉnh đưa ra tờ trình quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm, tổ dân phố trình kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIII thông qua đề nghị tăng mức phụ cấp cho bí thư chi bộ, trưởng xóm hoặc tổ trưởng dân phố thêm 0,1 lần mức lương cơ sở so với mức phụ cấp đang hưởng hiện nay là phù hợp. Vì sau khi sắp xếp, sáp nhập, số hộ của xóm, tổ dân phố sẽ tăng lên, khối lượng công việc của bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố sẽ tăng lên. Về tổng thể, tuy số phụ cấp có tăng lên, song số xóm, tổ dân phố giảm đi sẽ tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh đã có tờ trình về việc quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua sẽ là cơ sở để sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.