Tính đến cuối tháng 11, số nợ thuế của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn toàn tỉnh do Cục Thuế tỉnh quản lý là 758 tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng 22 DN có số nợ thuế lớn nhất đã chiếm tới 70% tổng nợ. Khi nhìn vào con số này, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là những DN làm ăn kém hiệu quả, sắp phá sản, nếu không cũng thuộc diện chây ỳ… Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với một số, bởi trong số này, có không ít DN bị mang nợ oan, nhất là đối với những DN có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước tỉnh với những DN có số nợ thuế lớn nhằm nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của DN do đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, chúng tôi phần nào thấu hiểu nỗi niềm của các DN nợ thuế. Theo đại diện các DN khoáng sản, bất cập chủ yếu đến từ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ (viết tắt là NĐ203). Mục tiêu mà NĐ này hướng tới là nhằm siết chặt việc quản lý khai thác khoáng sản, tránh tình trạng DN xin cấp mỏ rồi để đấy, xin nhiều làm ít hoặc chuyển nhượng… nhưng khi triển khai trên thực tế, NĐ203 đã gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Trước đó, Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2011, song phải đến ngày 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành NĐ203 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2014). Chính sự chậm trễ này đã khiến khoản 3, Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010 thành “quy định treo” từ ngày 1/7/2011 đến ngày 20/1/2014 (khoản 3 Điều 84 quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân đang thực hiện theo giấy phép khai thác được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng sản chưa khai thác).
Cũng theo NĐ203, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được áp dụng và truy thu từ ngày 1/7/2011. Thực tế này khiến nhiều DN sau khi được cấp quyền khai thác nhưng thấy không có khả năng thực hiện nên đã xin trả lại mỏ và đã được cơ quan chức năng xác nhận chưa có bất cứ hoạt động khai thác nào nhưng hàng năm vẫn phải kê khai tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Hay như việc một số DN (có thời gian khai thác ngắn) phải nộp 1 lần cho cả trữ lượng mỏ, trong khi họ chỉ được cấp phép khai thác tối đa 15% trữ lượng; lại có không ít DN hiện vẫn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nhưng đã bị tính tiền khai thác… Những điều này khiến DN rơi vào tình trạng nợ thuế.
Tại Cuộc họp, đại diện lãnh đạo Cục Thuế đã chia sẻ về những khó khăn mà các DN khoáng sản gặp phải, đồng thời khẳng định đây là thực trạng chung của các DN khai thác khoáng sản trên cả nước. Vì thế, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều công văn kiến nghị gửi các bộ chủ quản và gần đây nhất, ngày 17/5/2019, UBND tỉnh đã có công văn số 1814/UBND-KT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Đến tháng 7-2019, Chính phủ đã ban hành NĐ67/2019/ NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thay thế cho NĐ203 và một số điều, khoản của NĐ158/2016/ NĐ-CP. Một trong những nội dung đáng chú ý của NĐ67 là Điều 11 “Gia hạn thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”. Theo đó, DN sẽ được xem xét gia hạn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng thuê đất; hay trong thời gian được gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, DN không tính tiền chậm nộp đối với số tiền được gia hạn…
Như vậy, so với NĐ203 thì NĐ67 đã khắc phục nhiều bất cập, hạn chế trong chính sách song theo đại diện các sở, ngành chức năng và DN thì NĐ67 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vì chưa đưa ra được giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN đã gặp phải trước đó. Từ thực tế này, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản An Khánh kiến nghị: Tổng Cục địa chất khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (cơ quan chủ trì việc tính, thẩm định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) chủ trì mời các DN khai thác khoáng sản thuộc quyền cấp phép của mình để tính lại tiền cấp quyền cho các DN theo NĐ67, từ đó xác định số thực phải nộp để điều chỉnh kế hoạch thu cho phù hợp với thực tế.
Theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trong tổng số thuế mà các DN đang nợ có khoảng 200 tỷ đồng của các DN khoáng sản, mà nguyên nhân chính là do bất cập từ cơ chế, chính sách. Ngành Thuế mặc dù biết sự bất cập này và cũng đã có nhiều công văn đề nghị đến bộ, ngành chức năng, song không có cách nào khác vẫn phải đưa các DN này vào danh sách nợ thuế vì đây là quy định từ Trung ương.
Trước những bất cập này rất cần cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp tháo gỡ triệt để khó khăn cho DN. Đây cũng là điều được đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến yêu cầu các ngành quan tâm thực hiện và có kiến nghị với bộ, ngành, Chính phủ. Tuy nhiên, để làm được điều này không thể trong một sớm, một chiều. Vì thế, trước mắt, các DN mong muốn, cơ quan chức năng cần xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nợ thuế của từng DN, không nên từ những vướng mắc này mà thực hiện việc phong tỏa hóa đơn của DN, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác của DN, cho dù điều đó là theo quy định.