Huyện Phú Bình có trên 11.000 người có công với cách mạng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở và nhân dân trên địa bàn đã tích cực quan tâm, thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công.
Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình cho biết: Hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công đến mọi tầng lớp nhân dân. Các cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội ở cấp xã thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đời sống của các gia đình chính sách để kịp thời có giải pháp động viên, hỗ trợ. Hiện tại, huyện không có hồ sơ tồn đọng về công nhận, xác nhận người có công.
Chỉ tính riêng năm 2019, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thực hiện thẩm định trợ cấp 1 lần theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg cho 44 người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 với số tiền trên 116 triệu đồng; phối hợp triển khai xác định mức độ dị dạng, dị tật bẩm sinh và khả năng lao động đối với con đẻ của 20 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; cấp lại bằng Tổ quốc Ghi công cho 21 thân nhân liệt sĩ; thẩm định hồ sơ, đề nghị trợ cấp mai táng phí cho trên 263 người có công với cách mạng từ trần.
Cùng với việc chi trả đúng, đủ chế độ trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng, huyện còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình người có công trên địa bàn. Năm 2019, huyện đã tổ chức các đoàn thăm, tặng các gia đình chính sách với trên 10.445 suất quà, trị giá trên 2,4 tỷ đồng; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tặng 2 nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng, trị giá 80 triệu đồng/nhà...
Những năm qua, huyện Phú Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai các hoạt động cụ thể giúp đỡ gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách; tặng nhà tình nghĩa; tu bổ, sửa chữa, dọn dẹp nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ đảm bảo khang trang, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, huyện triển khai các hình thức giúp đỡ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống “đền ơn, đáp nghĩa”; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia ủng hộ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động tri ân người có công với cách mạng. Ông Dương Công Định, thân nhân liệt sĩ thanh niên xung phong Dương Thị Năm, xóm Ngoài, xã Tân Đức, chia sẻ: Trong các dịp lễ, Tết, gia đình tôi đều được các cấp chính quyền thăm hỏi, tặng quà. Không chỉ vậy, chúng tôi còn được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày, tạo điều kiện để chăm sóc, thờ phụng liệt sĩ.
Những việc làm thiết thực như trên đã trở thành động lực để các gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, gương mẫu, giáo dục con cháu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.