Quyết nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống xã hội

16:30, 08/12/2019

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIII cũng là kỳ họp cuối năm, với nhiều nội dung thảo luận và nghị quyết sẽ được thông qua, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Kỳ họp, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh về nội dung này.

P.V: Trước hết, đồng chí có thể cho biết công tác chuẩn bị Kỳ họp lần này đã được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện như thế nào?

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng: Để chuẩn bị tổ chức Kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan tư pháp sớm thống nhất nội dung, chương trình, thời gian tổ chức Kỳ họp; phân công các Ban của HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra theo quy định. Đối với một số nội dung có tác động lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội, chúng tôi đã chỉ đạo các Ban của HĐND tiến hành khảo sát để nắm tình hình thực tế ở địa phương, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để cung cấp cho đại biểu thảo luận và quyết định tại Kỳ họp. Phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, thông tin đến cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nội dung chương trình Kỳ họp, đồng thời tiếp thu, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chúng tôi cũng đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về nội dung Kỳ họp để tuyên truyền đến cử tri và nhân dân biết và theo dõi.

P.V: Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thông qua nghị quyết về việc sáp nhập, đổi tên xóm, tổ dân phố (TDP )và nghị quyết quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xóm, TDP trên địa bàn tỉnh. Đồng chí có thể thông tin khái quát về nội dung này?

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng: Việc sáp nhập, đổi tên xóm, TDP là nội dung được thực hiện theo luật và các thông tư, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Đề án số 09-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Toàn tỉnh hiện có 2.903 xóm, TDP. Kỳ họp lần này sẽ xem xét việc sáp nhập 1.062 xóm, TDP để thành lập 495 xóm, TDP mới ở cả 9 huyện, thành, thị. Kỳ họp cũng sẽ xem xét việc đổi tên 51 xóm, TDP cho phù hợp sau khi sáp nhập.

Đối với nội dung quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xóm, TDP trên địa bàn tỉnh, theo dự thảo nghị quyết, có một số nội dung đáng chú ý là: Quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã loại I được bố trí tối đa 14 người; xã loại II tối đa 12 người và xã loại III tối đa 10 người. Đối với mỗi xóm, TDP được bố trí tối đa 3 người, gồm: Bí thư chi bộ; trưởng xóm/tổ trưởng TDP và trưởng ban công tác mặt trận. Mức phụ cấp hàng tháng mà các chức danh hoạt động không chuyên trách được hưởng bằng 1,4 - 1,2 - 1,0 lần mức lương cơ sở (tùy loại xã). Đối với bí thư chi bộ, trưởng xóm/tổ trưởng TDP mức phụ cấp tương ứng với từng loại xóm là 1,3 - 1,1 -0,9 lần mức lương cơ sở; còn trưởng ban công tác mặt trận là 0,8 - 0,6 - 0,4 lần mức lương cơ sở cũng tùy loại xóm.

Đối với mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của xóm, TDP, theo dự thảo nghị quyết: Hằng năm, mỗi xóm/TDP được hỗ trợ kinh phí khoán 12-11-10 triệu đồng (tùy loại xóm) để chi trả bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của xóm, TDP với mức tối đa không quá 60 nghìn đồng, tối thiểu 30 nghìn đồng/người/buổi.

P.V: Theo đồng chí, còn những vấn đề gì thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cử tri tại Kỳ họp lần này?

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng: Năm 2020 là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp. Do vậy, việc rà soát đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực năm 2019 và giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2020 phải gắn với rà soát, đánh giá các chỉ tiêu của Đại hội tỉnh Đảng bộ đã đề ra, đây là nội dung hết sức quan trọng. Do vậy, HĐND tỉnh cùng với UBND tỉnh sẽ tính toán, cân đối, dành sự ưu tiên bố trí các nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu của năm cùng với chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó là các nội dung liên quan trực tiếp, có tác động lớn đến tâm tư, cuộc sống của người dân của người dân mà kỳ họp sẽ thông qua như: Trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, hiện Thái Nguyên còn 1,8% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế. Do vậy, HĐND tỉnh sẽ quy định mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhóm đối tượng này. Đối với đảng viên từ 30 năm tuổi Đảng trở lên, HĐND tỉnh cũng ban hành nghị quyết quy định bổ sung mức tặng thưởng Huy hiệu Đảng ngoài mức tặng thưởng do Trung ương quy định.

Do đây là kỳ họp cuối năm nên HĐND tỉnh sẽ dành phần lớn thời gian cho việc chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

P.V: Ngoài các kỳ họp thường kỳ và kỳ họp bất thường, năm nay, Thường trực HĐND tỉnh còn tổ chức 1 phiên giải trình và 2 phiên chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm. Đồng chí có thể cho biết hiệu quả mang lại từ những phiên chất vấn, giải trình này?

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng: Những nội dung mà Thường trực HĐND lựa chọn để thực hiện các phiên giải trình và chất vấn trong năm 2019 đều là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Đó là: Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ điện; công tác quản lý Nhà nước về 3 loại rừng; công tác cải cách hành chính; việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-HĐND; công tác đào tạo nghề và việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm…  Có thể nói rằng, đây là công cụ giám sát trực tiếp nhằm tạo ra những chuyển biến, hiệu quả rõ nét, khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Qua các phiên giải trình, chất vấn, từng vấn đề, nhất là những hạn chế, tồn tại đã được các đại biểu nêu rõ, gắn với đó là trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; biện pháp khắc phục, rõ lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành. Ngay sau các phiên giải trình, chất vấn, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện và báo cáo tiến độ, kết quả với Thường trực HĐND tỉnh. Thông qua việc tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận thấy, nhân dân và cử tri đã ghi nhận sự cố gắng, tích cực của các ngành, các cấp trong việc giải quyết các ý kiến của cử tri và các vấn đề đại biểu quan tâm. Ở một góc độ khác, các phiên giám sát, giải trình còn là một kênh để đại biểu HĐND tỉnh phát huy quyền giám sát của mình, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.