Thái Nguyên: Tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển kinh tế - xã hội

19:57, 31/12/2019

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm, đến nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn, tiêu biểu như: Tập đoàn Samsung và các doanh nghiệp FDI; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn T&T; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Masan… Kết quả này cho thấy nỗ lực của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội, điều kiện cho nhà đầu tư có được môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn. Sự có mặt của các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Dấu ấn phát triển công nghiệp với các doanh nghiệp FDI

Với nỗ lực của các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên, KCN Điềm Thụy, phần diện tích 180ha đã được lấp đầy, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch 6 khu công nghiệp với diện tích hơn 1.400 ha, 35 cụm công nghiệp với diện tích gần 1.300 ha. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, lĩnh vực công nghiệp tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn như: Nhà máy Everrich Building tại KCN Điềm Thụy với số vốn đăng ký 450 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm từ sữa Elovi tại KCN Nam Phổ Yên; các Dự án:Nhà máy KHVATEC HANOI, Sản xuất Graphite Tanyuan Vina, Nhà máy Samju Vina 2, Nhà máy nhôm Aluminium Hàn Việt... tại KCN Điềm Thụy. Qua đó, đã góp phần lấp đầy KCN Điềm Thụy, phần diện tích 180ha. Để tiếp tục thu hút đầu tư vào KCN, năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã khởi công xây dựng KCN Sông Công II. Đến hết năm 2018, Thái Nguyên đã có 05 khu công nghiệp được xây dựng, thu hút 199 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD. Kết thúc năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 670.000 tỷ đồng, tăng trên 12% so với năm trước.

Phát triển kết cấu hạ tầng, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

UBND tỉnh Thái Nguyên ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với Công ty CP Tập đoàn T&T để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh

Một điểm mới trong việc phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên thời gian qua là bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo huy động nhiều nguồn lực ngoài ngân sách với phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP). Dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài, dự án giao thông quan trọng kết nối TP Thái Nguyên với Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc là một trong những dự án được thực hiện theo hình thức PPP. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục, hồ sơ và Nhà đầu tư đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ đề ra. Đối với các dự án hạ tầng đô thị cũng được tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư. Thực hiện chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về phát triển đô thị hai bờ sông Cầu, Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu gồm 9 dự án đã và đang được triển khai. Đây là Đề án rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực TP Thái Nguyên và vùng lân cận trước các nguy cơ do bão, lũ, đồng thời là động lực và điểm nhấn quan trọng góp phần thay đổi diện mạo, hiện đại hóa đô thị. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở pháp lý, cơ sở quy hoạch. Các bước thực hiện các dự án đều đã thực hiện tuân thủ đúng quy định pháp luật. Một dự án giao thông quan trọng khác cũng đã được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP là Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT.266, dự án đã được UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ đầu tư với Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T.

Phát triển du lịch, dịch vụ - Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới

Sự phát triển mạnh của công nghiệp, kết cấu hạ tầng, đã kéo theo sự phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch và những ngành kinh tế - xã hội khác. Một dự án thương mại, dịch vụ tiêu biểu vừa qua đã đi vào hoạt động là Dự án Trung tâm thương mại Vincom Plaza Thái Nguyên của Tập đoàn Vingroup. Dự án không chỉ góp phần kiến tạo không gian đô thị hiện đại mà còn mang đến cho người dân những trải nghiệm mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực mới; đồng thời góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cũng tại TP Thái Nguyên, Dự án xây dựng tòa nhà hỗn hợp Thái Nguyên (Thái Nguyên Tower) cao 120m, 32 tầng với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng; Dự án Khách sạn 5 sao Crown Plaza và nhà ở thương mại kết hợp phố đi bộ đã được UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ đầu tư với Công ty CP Vườn Thời Đại; Dự án Chợ vùng Việt Bắc, Trung tâm Hội nghị triển lãm và khu đô thị phường Thịnh Đán được UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ đầu tư với Công ty CP Tập đoàn T&T.

Vincom Plaza Thái Nguyên đi vào hoạt động, một điểm nhấn trong phát triển thương mại, dịch vụ và góp phần phát triển không gian đô thị hiện đại

Một dự án dịch vụ, an sinh xã hội có ý nghĩa đã thực hiện và đưa vào sử dụng, đó là Dự án Nghĩa trang An Lạc Viên Thái Nguyên tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên của Công ty CP Tập đoàn Indevco. Dự án có tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng với diện tích 27,8ha. Dự án được triển khai thuận lợi nhờ nhận được sự đồng thuận của nhân dân địa phương. Đây là Dự án an sinh xã hội quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội, rất thiết thực với đời sống, đáp ứng nguyện vọng không chỉ đối với nhân dân tỉnh Thái nguyên mà còn có ý nghĩa đối với nhân dân các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Trong phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, không thể không nhắc đến tiềm năng phát triển du lịch Hồ Núi Cốc. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016. Việc triển khai đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc nằm trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, đã được Tỉnh ủy ban hành chủ trương; HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh triển khai. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc đang được triển khai theo tiến độ, kế hoạch đề ra; đảm bảo đúng quy định pháp luật và được huy động từ nhiều nguồn lực với các loại hình đầu tư. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách (khu tâm linh) và đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, Dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách (Khu tâm linh) đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang phối hợp với địa phương triển khai dự án đúng trình tự, thủ tục đầu tư, đã ứng kinh phí để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Cùng với lợi thế du lịch Hồ Núi Cốc, tỉnh cũng chú trọng mời gọi và đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện các dự án du lịch sinh thái khu vực Đông Tam Đảo. Trong đó, UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư với Công ty CP Tập đoàn T&T Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, đô thị sinh thái Đông Tam Đảo và tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Các công trình kết cấu hạ tầng hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư đến với tỉnh (Ảnh: Cầu Bến Tượng, TP Thái Nguyên).

Bên cạnh các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, thương mại, dịch vụ, du lịch thì lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, môi trường… cũng thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án. Từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 62 dự án của 43 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 113.508 tỷ đồng. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính nhanh nhất theo quy định, đồng thời đôn đốc, phối hợp với Nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể nói, các chương trình, dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã và đang được triển khai trên địa bàn được thực hiện từ chủ trương phát triển kinh tế xã hội của địa phương, được các cấp các ngành thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật và đúng thẩm quyền. Tỉnh Thái Nguyên luôn sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước đến với tỉnh và cam kết luôn tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập.