Những ngày gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh thắc mắc về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cấp phát khẩu trang để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương. Theo đó, người dân ở T.P Thái Nguyên được cấp phát 2 chiếc khẩu trang/người, còn tại các địa phương khác, có nơi mỗi gia đình chỉ được 2 chiếc, có nơi mỗi gia đình được 1 chiếc, có gia đình lại không được nhận khẩu trang… Phóng viên Báo Thái Nguyên đã làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ những thắc mắc của người dân.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID19, UBND tỉnh và UBND T.P Thái Nguyên đã đặt mua tổng cộng 1,5 triệu chiếc khẩu trang bằng vải nano kháng khuẩn do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG sản xuất. Trong đó, riêng T.P Thái Nguyên chủ động trích 10 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để mua 1 triệu chiếc khẩu trang cấp phát cho người dân. Các địa phương còn lại, gồm: Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công được UBND tỉnh hỗ trợ tổng cộng 500 nghìn chiếc khẩu trang để cấp phát cho học sinh, sinh viên và một số đối tượng khác.
Sở dĩ T.P Thái Nguyên phải đặt mua 1 triệu chiếc khẩu trang để phục vụ công tác phòng chống dịch là do T.P Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu của tỉnh, nơi tập trung đông dân cư với trên 450 nghìn người (chiếm gần 1/3 dân số của tỉnh); đồng thời, là địa bàn có nhiều học sinh, sinh viên, công nhân ngoại tỉnh và người nước ngoài đến học tập, làm việc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Với 1 triệu chiếc khẩu trang đặt mua, UBND T.P Thái Nguyên đã quyết định cấp phát miễn phí cho mỗi nhân khẩu đang sinh sống trên địa bàn Thành phố 2 chiếc; số còn lại được cấp phát cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch.
Đối với 8 huyện, thành, thị còn lại, UBND tỉnh đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) phân bổ 500 nghìn chiếc khẩu trang cho các địa phương. Do số lượng khẩu trang không đủ đáp ứng cho tất cả người dân của 8 huyện, thành, thị còn lại (tổng dân số của 8 huyện, thành thị là 946.348 người trong khi chỉ có 500 nghìn chiếc khẩu trang) nên UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng phương án cấp phát và sử dụng khẩu trang hợp lý. Trong đó, ưu tiên cấp phát miễn phí cho học sinh, sinh viên và một số đối tượng khác.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 13-2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ 500 nghìn chiếc khẩu trang cho các địa phương căn cứ theo tình hình thực tế và tỷ lệ dân số. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trên cơ sở số lượng khẩu trang được phân bổ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID19 các địa phương xây dựng phương án cấp phát, sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế. Do mỗi địa phương có một phương án khác nhau nên việc cấp phát thực hiện không giống nhau. Ví dụ như huyện Phú Bình dân số có 156.804 người nhưng số lượng khẩu trang được tỉnh phân bổ chỉ có 82.850 chiếc nên huyện quyết định cấp phát cho mỗi hộ gia đình 2 chiếc không phân biệt số lượng nhân khẩu. Huyện Định Hóa có 89.288 người được phân bổ 47.200 chiếc nên huyện đã xây dựng phương án cấp phát ưu tiên cho học sinh, hộ nghèo, hộ cận nghèo và người cao tuổi… Đối với huyện Đại Từ, ngoài 90.700 chiếc khẩu trang được tỉnh phân bổ, huyện còn trích ngân sách trên 1 tỷ đồng để mua thêm 128.000 chiếc cấp phát cho người dân, đảm bảo mỗi người được 1 chiếc… Trong quá trình thực hiện hỗ trợ cấp phát khẩu trang, các địa phương chưa giải thích rõ cho người dân hiểu nên dẫn đến tình trạng người dân còn thắc mắc.
Cũng theo ông Trường, người dân cần hiểu rõ, việc cấp phát khẩu trang của tỉnh chỉ mang tính chất hỗ trợ, người dân nên chủ động tự trang bị thêm cho mình phương tiện cũng như kiến thức để phòng chống dịch COVID-19. Việc sử dụng khẩu trang là rất quan trọng, tuy nhiên, người dân không nên quá “lạm dụng” mà phải sử dụng “đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách”.
Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Hiện nay, 100% hộ gia đình trên địa bàn đã nhận đủ 2 chiếc khẩu trang theo phương án cấp phát của huyện. Qua kiểm tra, trên địa bàn huyện không có việc cán bộ địa phương “ăn bớt khẩu trang” của người dân như một số thông tin trên mạng xã hội. Việc UBND tỉnh và T.P Thái Nguyên trích ngân sách mua 1,5 triệu chiếc khẩu trang để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 là chủ trương đúng đắn, theo phương châm chỉ đạo của Trung ương về "4 tại chỗ” trong công tác phòng chống dịch (kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ; dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ tại chỗ).
Việc làm kịp thời này cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với sức khỏe của người dân và được dư luận trong tỉnh cũng như cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên, do tình hình thực tế và điều kiện ngân sách của các địa phương khác nhau nên chính sách hỗ trợ, cấp phát khẩu trang ở các địa phương thực hiện không giống nhau. Mặt khác, tại các địa phương, việc cấp phát khẩu trang cũng cần được ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như: học sinh, sinh viên, người cao tuổi, cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống dịch… do đó, một số địa phương sẽ không đủ khẩu trang để cấp phát cho tất cả người dân.
Trước những dư luận không đúng về việc hỗ trợ cấp phát khẩu trang tại các địa phương, thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và nắm rõ chủ trương, chính sách của tỉnh.