Kỳ 2: Ai chịu trách nhiệm và ai chịu thiệt? Như chúng tôi đã đề cập ở kỳ trước, quá trình điều hành Công ty Việt Thái của ông Hoàng Quang Toản cho thấy những biểu hiện bất minh và có dấu hiệu sai phạm. Trong khi những vấn đề này chưa được làm rõ, nhiều hệ lụy chưa được giải quyết dứt điểm thì đến pháp nhân IBA vẫn do ông Toản đứng đầu tiếp tục “có vấn đề”. Đáng chú ý là việc chuyển nhượng tài sản giữa Công ty Việt Thái cho Công ty IBA, vấn đề thu chi và quan hệ tài chính với ngân hàng.
Giấu cổ đông việc bán doanh nghiệp
Cuối năm 2014, khi diễn ra việc “chuyển nhượng” tài sản của Công ty Việt Thái cho Công ty IBA, ông Vũ Văn Thanh là thành viên HĐQT Công ty Việt Thái sở hữu 27,5% cổ phần (đến nay vẫn giữ nguyên). Tuy vậy, đại hội cổ đông bất thường và cuộc họp HĐQT Công ty Việt Thái vào tháng 12-2014 bàn việc chuyển nhượng tài sản cho Công ty IBA, ông Thanh không biết. Trước đó, ông Thanh đã có ý phản đối chủ trương này vì một số vấn đề chưa được làm rõ.
Ông Vũ Văn Thanh khẳng định: Tôi đang sở hữu 27,5% cổ phần, tức là tất cả cổ đông còn lại sở hữu tổng số cổ phần không lớn hơn 75% mà họ tổ chức họp bán Công ty không có sự tham gia của tôi là vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Mãi gần đây tôi mới biết điều này, tôi đã làm đơn đề nghị tòa án tuyên hợp đồng mua bán tài sản giữa Công ty Việt Thái và Công ty IBA vô hiệu.
Như chúng tôi đã phản ánh ở kỳ trước, trong bối cảnh Công ty Việt Thái lún sâu vào khó khăn, mất uy tín với các đối tác và đứng trước nguy cơ bị ngân hàng phát mại tài sản, các cổ đông đứng đầu là ông Hoàng Quang Toản đã thành lập Công ty IBA và chuyển nhượng tài sản của Công ty Việt Thái sang nhằm xây dựng một pháp nhân mới “sạch” hơn. Ông Ngô Thế Cường cho biết: Lúc đó vì sức ép của ngân hàng nên phải triển khai nhanh việc chuyển nhượng Công ty. Việc ông Thanh không tham gia họp, chúng tôi được ông Toản nói lại là đã trao đổi, thống nhất với ông Thanh nên không cần ông ấy dự họp… Tuy nhiên, ông Thanh khẳng định không hề được trao đổi, thống nhất gì về điều này. Trong khi đó, tại cuộc làm việc với phóng viên, ông Toản cho rằng các thủ tục bán Công ty Việt Thái đảm bảo tính pháp lý và không cần sự đồng ý của ông Thanh (?!).
Dấu hiệu chi sai nguyên tắc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi thành lập đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty IBA liên tục gặp khó khăn. Tuy vậy, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thái Nguyên, với tư cách là đơn vị tài trợ vốn duy nhất cho IBA vẫn tiếp tục giải ngân, bổ sung vốn cho doanh nghiệp này. Thời điểm cao nhất, dư nợ của Công ty IBA tại BIDV là khoảng 40 tỷ đồng, trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp - Chi nhánh Sông Cầu chỉ cho Công ty Việt Thái vay tối đa chưa đến 20 tỷ đồng. Ông Hà mậu Quý, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Thái Nguyên cho biết: Thời điểm đầu khi quyết định giải ngân cho Công ty IBA vay, chúng tôi đã thẩm định kỹ và tin tưởng vào triển vọng sản xuất, kinh doanh của họ. Tuy nhiên, nội bộ doanh nghiệp ngày càng mất đoàn kết, thiếu thống nhất và một số vấn đề khác ảnh hưởng đến sự an toàn vốn vay. BIDV - Chi nhánh Thái Nguyên đã từng đưa Công ty IBA vào diện kiểm soát đặc biệt, thậm chí có lúc phải tạm thời phong tỏa tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp này.
Vậy thực hư việc “mất đoàn kết” trong nội bộ IBA như thế nào, ông Ngô Thế Cường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty nói: Khi phát hiện những vấn đề thiếu minh bạch và dấu hiệu sai phạm của ông Toản, tôi đề nghị làm rõ và chấn chỉnh nhưng ông Toản không giải trình được. Không những thế, ông ấy còn tìm cách loại bỏ tôi khỏi ban lãnh đạo Công ty.
Cụ thể, ông Cường cho biết với cương vị là Chủ tịch HĐQT, ông Toản đã chỉ đạo nhân viên kế toán, thủ quỹ chi sai nguyên tắc tài chính, lập phiếu chi khống rút tiền từ quỹ để chi tiêu vào những việc không chính đáng. Có những phiếu chi ghi người nhận tiền là ông Hoàng Quang Toản, lý do chi là biếu một cán bộ, tôi (chủ tài khoản) không duyệt chi nhưng giao dịch vẫn được thực hiện, số tiền 100 triệu đồng. Phiếu chi khác cũng ghi lý do chi là biếu một cán bộ số tiền 200 triệu đồng, tôi không ký duyệt nhưng ông Toản vẫn chỉ đạo kế toán, thủ quỹ thực hiện. Chưa biết những số tiền đó có được chi đúng theo lý do chi trên phiếu hay không nhưng dù gì cũng là sai nguyên tắc.
Cũng theo ông Ngô Thế Cường, dù không phải người đại diện pháp luật của Công ty IBA nhưng ông Toản vẫn đứng ra ký một số hợp đồng giao dịch với đối tác. Trước những vấn đề này, ông Cường với cương vị Tổng Giám đốc đã không ít lần ra thông báo tạm dừng hoạt động Công ty. Những bất đồng trong nội bộ ngày một gia tăng, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Các cổ đông và người lao động chịu thiệt
Trở lại tình hình của Công ty Việt Thái, dù doanh nghiệp này chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa nhưng nhiều vấn đề, nhất là quyền lợi của các cổ đông và người lao động vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các cổ đông (ông Cường, ông Thanh và ông Khánh) hiện vẫn chưa được Công ty hoàn trả số tiền mà họ đứng ra vay giúp hoặc bảo lãnh, có người vẫn chưa được trả lại tài sản đã mượn để Công ty thế chấp ngân hàng.
Đối với những người lao động từng làm việc tại Công ty Việt Thái, họ rất bức xúc vì bị xâm phạm quyền lợi chính đáng. Nhiều người sau nhiều năm rời khỏi Công ty đến nay vẫn bị nợ lương, nợ bảo hiểm và tiền “ký quỹ”. Chị Dương Kiều Lơ từng là nhân viên hành chính của Công ty cho biết: Tôi bỏ việc tại Việt Thái từ năm 2013 nhưng đến giờ chưa được trả nốt 6 tháng lương và 10 triệu đồng tiền ký quỹ. Sổ bảo hiểm cũng chưa chốt được vì Công ty nợ bảo hiểm xã hội. Tôi và một số người nhiều lần đến Công ty đề nghị ông Toản giải quyết nhưng chỉ được hứa hẹn. Có người phải chấp nhận lấy thức ăn chăn nuôi để trừ dần số lương Công ty nợ… Trường hợp khác là chị Dương Thị Hải Yến đã rời Công ty 7 năm nhưng vẫn bị nợ 3 tháng lương, không được thanh toán chế độ thai sản, tiền ký quỹ và cũng chưa được chốt sổ bảo biểm xã hội. Chị yến nói: Hàng chục người cũng có hoàn cảnh như tôi.
Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội T.P Sông Công, số nợ bảo hiểm của Công ty Việt Thái hiện còn 437 triệu đồng. Cơ quan này đã khởi kiện Công ty Việt Thái ra tòa, đề nghị Thanh tra Bảo hiểm Xã hội tỉnh vào cuộc hoặc xem xét chuyển sang cơ quan điều tra…
Rõ ràng những vấn đề đã, đang tồn tại ở Công ty Việt Thái và Công ty IBA cần được cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, nhất là những dấu hiệu sai phạm về thuế và tài chính. Qua đó đảm bảo quyền lợi của những người liên quan, quyền lợi chính đáng của người lao động và giúp doanh nghiệp hoạt động đúng quy định, phát triển bền vững.