Trước những khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải song hành cùng thực hiện tốt tất cả các nhiệm vụ, trong đó mũi nhọn là kinh tế. Nghĩa là, không chỉ tập trung phòng, chống dịch COVID-19 mà phải có các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Thời gian vừa qua, tình hình dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế, trong đó có nước ta. Dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc và lan rộng sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khiến các hoạt động giao lưu kinh tế bị hạn chế. Việt Nam có quan hệ thương mại đa chiều với nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Việc hạn chế hàng hóa thông thương qua cửa khẩu hai nước đã khiến hàng loạt các mặt hàng (chủ yếu là nông sản) của chúng ta bị ùn ứ, kim ngạch giảm sút. Các hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng, nhiều hợp đồng tua tuyến phải hủy bỏ, du khách giảm mạnh…
Mặt khác, do tính chất của dịch COVID-19 là rất nguy hiểm nên các địa phương trong cả nước đều tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo kịp thời; các địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt nên đến nay tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực. Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy vậy, thực tế cho thấy rất rõ những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế cả nước tháng 1-2020 dù chưa ảnh hưởng nhiều nhưng đã có xu hướng giảm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tháng 2. Chính vì thế, Chính phủ chỉ đạo, ngoài tập trung phòng, chống dịch cần nỗ lực khắc phục khó khăn, có các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong cuộc họp thường kỳ tháng 1 vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Chống dịch là hàng đầu nhưng cần giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô. Yêu cầu cả hệ thống hành chính tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng. Thủ tướng cũng lưu ý, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới. Chủ động tìm kiếm thị trường, chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại.
Với Thái Nguyên cũng đang chỉ đạo, tiếp tục coi “chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không được hoang mang. Vừa phòng, chống dịch, phải vừa tập trung phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch đề ra. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có ngay văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đề xuất các phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, xây dựng cơ chế hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm trên địa bàn; tích cực, chủ động trong quá trình hướng dẫn về hồ sơ thủ tục pháp lý, trình tự các bước triển khai dự án, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện dự án hiệu quả...