Sáng 18-2, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc không quy hoạch thành lập mới khu rừng đặc dụng hồ Núi Cốc. Tham dự có đồng chí Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và lãnh đạo các sở, huyện, thành phố, thị xã liên quan.
Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có quy hoạch thành lập mới rừng đặc dụng Khu dự trữ thiên nhiên hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), có diện tích 6.000ha, với mục đích bảo tồn hệ sinh thái rừng, cảnh quan môi trường, phát triển du lịch.
Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngành và các địa phương liên quan rà soát các tiêu trí để thành lập mới Khu rừng đặc dụng hồ Núi Cốc. Qua rà soát, kiểm tra, diện tích khu vực rừng hồ Núi Cốc có diện tích 6.000ha, nằm ở 8 xã, gồm: 2 xã thuộc T.P Thái Nguyên; 1 xã thuộc T.X Phổ Yên; 5 xã thuộc huyện Đại Từ. Trong đó, hơn 4.350ha đã được quy hoạch rừng phòng hộ; hơn 1.600ha quy hoạch rừng sản xuất do người dân quản lý. Khoảng 80% diện tích khu rừng hồ Núi Cốc được trồng keo, 10% là rừng phục hồi nghèo, còn lại là đất trống. Trong rừng không có động, thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Nhiều diện tích chồng lấn, đan xen với đất trồng chè. Qua đó, khu rừng hồ Núi Cốc không đủ tiêu chí để quy hoạch thành lập mới Khu dự trữ thiên nhiên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, đề nghị không quy hoạch khu rừng hồ Núi Cốc thành khu dự trữ thiên nhiên là phù hợp để ổn định đời sống của hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên. Tuy nhiên, cần xem xét hiện trạng quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, các cơ sở để kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Dương Văn Lượng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của Tổng cục Lâm nghiệp và các địa phương. Đồng thời, giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát lại các văn bản pháp lý, đánh giá hiện trạng rừng để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.