Thái Nguyên có mạng lưới sông, suối, hồ, đập tương đối dày đặc, đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp quản lý để bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tổng lượng dòng chảy nước mặt trên địa bàn tỉnh hơn 3,5 tỷ m3/năm, tổng lượng nước mưa khoảng 5,5 tỷ m3/năm và lượng nước ngầm tự nhiên dưới đất là 0,8 tỷ m3/năm. Trong đó, lượng nước chảy tập trung chủ yếu ở một số hệ thống sông lớn, như: Sông Cầu (chảy từ Bắc Kạn qua 5 huyện, thành phố, thị xã của Thái Nguyên), sông Công (Định Hóa - Đại Từ - Sông Công - Phổ Yên), sông Dong (Võ Nhai).
Ông Vương Văn Thanh, Trưởng Phòng Tài Nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá định kỳ hằng năm, nguồn nước trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số đòi hỏi nhu cầu nước ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, tạo ra sức ép lớn đối với nguồn tài nguyên nước…
Đối với Thái Nguyên, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước luôn tiềm ẩn. Bởi, tại một số địa phương đầu nguồn nước, như: Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, T.P Thái Nguyên… có hàng chục trang trại chăn nuôi lợn, gà có quy mô lớn. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, không đúng nơi quy định vẫn còn. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp tác động không nhỏ đến nguồn nước. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, giai đoạn 2018-2020...
Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nguồn chất thải trong khai thác khoáng sản được xử lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước khi thải ra môi trường. Các cơ quan chính quyền địa phương đã tích cực xử lý các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn không thực hiện nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường. Chỉ riêng trong năm 2019, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 28 cơ sở sản xuất xả thải chất gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Cùng với đó, Dự án xử lý nước thải sinh hoạt và thoát nước (Công ty CP thoát nước và công trình đô thị Thái Nguyên) đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 đã giúp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt của hơn 100 nghìn người dân ở T.P Thái Nguyên trước khi xả ra sông Cầu. Qua đó, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại sông Cầu và hệ thống mương nước tại T.P Thái Nguyên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.500 cơ sở sản xuất tại 4/6 khu công nghiệp và 19/32 cụm công nghiệp nên lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất rất lớn. Hầu hết các khu, cụm công nghiệp đều được xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra sông, suối, ao, hồ. Các nhà máy, doanh nghiệp phải đầu tư trang bị hệ thống quan trắc nội bộ và báo cáo kết quả định kỳ với Sở Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, trên sông Cầu, sông Công là 2 dòng sông chính cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt đối với phần lớn người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã lắp đặt các trạm quan trắc tự động để theo dõi, đánh giá chất lượng nước thường xuyên.
Bên cạnh đó, để quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên nước, cơ quan chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước. Trong đó, có Quyết định số 3101/QĐ-UBND ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cho các công trình đã cấp phép khai thác, sử dụng nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền, tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ nguồn nước.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để quản lý nguồn nước, nhưng một bộ phận người dân, đơn vị doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức, tuân thủ đúng vai trò, trách nhiệm đối với việc bảo vệ nguồn nước khi còn hiện tượng vứt rác thải sinh hoạt, động vật chết xuống sông hoặc xả, đổ trộm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, khai thác nước ngầm trái phép và không đúng quy hoạch. Vì vậy, để bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước, ngoài việc quan tâm đến công tác tuyên truyền, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Tài nguyên nước năm 2012.